Ngày 14/12/2022, Hội thảo về hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. LS, HGV Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC), Luật sư điều hành Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự cùng LS. HGV Lê Trọng Thêm – Luật sư điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers là các diễn giả trình bày trong Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp, Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam và đại diện các cơ quan, chuyên gia khác trong lĩnh vực trọng tài, hòa giải thương mại.

LS, HGV Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) đã trình bày tham luận về một số vướng mắc trong hoạt động hòa giải thương mại và đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Theo LS, HGV Nguyễn Hưng Quang, chất lượng của đội ngũ hoà giải viên là yếu tố quan trọng để có thể giải quyết được tranh chấp bằng phương thức hoà giải cũng như thu hút được cộng đồng doanh nghiệp lựa chọn phương thức hoà giải. Một số quốc gia quy định cụ thể về thời gian đào tạo bắt buộc để trở thành hoà giải viên, như Cộng hoà Áo quy định trong Luật Đào tạo hoà giải, để trở thành hoà giải viên, mỗi cá nhân phải qua thời gian đào tạo là 200 giờ.
Tại Hoa Kỳ, mỗi bang có những yêu cầu riêng về đào tạo hoà giải viên do Toà án công nhận nhưng yêu cầu tối thiểu chung là 20 giờ đào tạo. Tại Đức, các hoà giải viên phải đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Quy định về đào tạo các hoà giải viên được chứng nhận (Regulation on the training and further education of certified mediators–Certified Mediator Training Ordinance– ZmediatAusbV).
Chương trình đào tạo hoà giải viên bao gồm một khoá học với tổng thời lượng ít nhất 120 giờ. Sau khi hoàn thành khoá học, hoà giải viên phải tiến hành một phiên hoà giải với tư cách hoà giải viên hoặc đồng hoà giải viên và được cấp xác nhận của một người giám sát (thực hành hoà giải).

LS, HGV Nguyễn Hưng Quang cho rằng để hoạt động hoà giải thương mại phát triển hơn nữa tại Việt Nam thì các quy định pháp luật về hoà giải thương mại cần được tiếp tục hoàn thiện, bao gồm các quy định về hoà giải thương mại, quy định của pháp luật chuyên ngành về việc sử dụng phương thức hoà giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực cụ thể.
Để có thể đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng và ban hành một luật về hoà giải thương mại thay thế cho Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần sớm có ban hành một bộ quy tắc đạo đức, ứng xử hoà giải viên để các hoà giải viên tại các tổ chức hoà giải và hoà giải viên vụ việc để hướng dẫn, thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các hoà giải viên.

Tiếp nối phần thảo luận về hoạt động hòa giải thương mại, LS. HGV Lê Trọng Thêm – Luật sư điều hành Công ty Luật LTT & Lawyers đã có phần chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn của luật sư.


Nguồn: Tài liệu Hội thảo về hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại tại Việt Nam ngày 14/12/2022