HOÀ GIẢI TIẾP TỤC LÀ PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THÍCH HỢP ĐƯỢC GHI NHẬN TRONG MỘT SỐ LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHOÁ XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Với những lợi ích riêng biệt, hoà giải có vai trò đang kể trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Trong 08 Luật[1] được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, 03 luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến các hoạt động thương mại gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Luật Đấu thầu 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định phương thức hoà giải hoặc hoà giải thương mại để giải quyết tranh chấp. Đây là điểm mới quan trọng và khác biệt so với các văn bản luật này được ban hành trước đây.

1. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) 2023

LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHOÁ XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật BVQLNTD 2023 thay thế Luật BVQLNTD 2010, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, với một số điểm thay đổi nổi bật như sau:

Thứ nhất, so với việc Luật BVQLNTD 2010 chỉ khái quát quyền lựa chọn bên thứ ba để thực hiện hoà giải, Luật BVQLNTD 2023 xác định rõ các bên tranh chấp có thể áp dụng những quy định của pháp luật hoà giải thương mại. Trong khi Luật BVQLNTD 2010 chỉ quy định chung về tổ chức hoà giải là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ. Theo Nghị định hướng dẫn, hoà giải tranh chấp người tiêu dùng được thực hiện bởi các ban quản lý chợ, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng[2].

Luật BVQLNTD 2023 đã quy định theo hướng không còn sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thay vào đó, Luật quy định tổ chức hoà giải gồm:

  • Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Tổ chức hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải tại cơ sở, pháp luật về hòa giải tại tòa án;
  • Tổ chức khác có chức năng hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.[3]

Thứ hai, Luật BVQLNTD 2023 quy định thêm về trách nhiệm công nhận, công bố danh sách và chỉ định hoà giải viên của các tổ chức hoà giải, năng lực, phầm chất đạo đức, kỹ năng,… của hoà giải viên.

Thứ ba, một trong những điểm đặc biệt của Luật BVQLNTD 2023 là quy định thêm trường hợp tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có người dân tộc thiểu số thì phải có ít nhất 01 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người sử dụng thông thạo tiếng của dân tộc thiểu số.[4] Quy định này giúp tăng cường bảo vệ quyền lợi cho nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương[5].

Thứ tư, Luật BVQLNTD 2023 quy định thống nhất về khái niệm  “Văn bản về kết quả hoà giải thành” với Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ năm, Luật BVQLNTD 2023 bổ sung thêm trường hợp không được thương lượng, hòa giải, gồm:

  • Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
  • Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
  • Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 30 Luật BVQLNTD 2010 chỉ quy định một trường hợp là khi tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.

2. Luật Đấu thầu 2023

LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHOÁ XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5: Luật Đấu thầu

Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một trong những luật được Quốc hội Khoá XV thông qua bao gồm 10 Chương và 96 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. So với Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 đã có những điểm mới được thay thế, bổ sung so với quy định hiện hành.

Theo đó, Luật Đấu thầu 2013 chỉ ghi nhận phương thức giải quyết tranh chấp bằng toà án, tuy nhiên Luật Đấu thầu 2023 ghi nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hoà giải và ban phân xử tranh chấp[6]. Các bên có thể quy định về việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.[7]

Sự thay đổi này có thể giúp nhà đầu tư chủ động, linh hoạt, quyền tự quyết định đối với các hoạt động thực hiện dự án của mình, đồng thời làm tăng tính tương thích giữa Luật Đấu thầu với các luật khác, như Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Bộ luật Tố tụng dân sự và điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam làm thành viên.

3. Luật Giao dịch điện tử 2023

LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHOÁ XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5: Luật Giao dịch điện tử

Có hiệu lực từ thi hành kể từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) 2005, Luật GDĐT 2023 gồm 8 chương, 53 điều. Luật mới có mục tiêu củng cố hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, Luật GDĐT 2023 bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản, tạo hành lang pháp lý cho giải quyết tranh chấp thương mại điện tử.

Điểm thay đổi của Luật GDĐT 2023 so với Luật GDĐT 2005 là Luật mới đã lược bỏ chương Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Điều này được đánh giá là xuất phát từ nguyên nhân hành lang pháp lý về tranh chấp và xử lý tranh chấp hiện hành đã khá đầy đủ và chi tiết, đồng thời GDĐT hiện không có nội dung quy định mới, mang tính đặc thù do đó việc lược bỏ này tránh tình trạng các văn bản luật bị chồng chéo nhau.[8]

Bên cạnh đó, việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài[9] đã giúp cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên trong đó có một bên là người nước ngoài trở nên thuận tiện hơn.

Luật GDĐT 2023 đã khắc phục những vướng mắc, bất cập còn tồn tại của Luật GDĐT 2005 để phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến (ODR), đồng bộ với phương thức do Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) đưa ra.

***

Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) tự hào là trung tâm hoà giải thương mại tham gia đóng góp trong quá trình soạn thảo các quy định pháp luật nêu trên.

***

Cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến hoà giải và đặc biệt là các trung tâm trọng tài, hoà giải tại Việt Nam cần sớm chủ động nghiên cứu để kịp thời cập nhật các quy định mới của pháp luật mới để có thể sử dụng phương thức hoà giải để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong kinh doanh nhằm giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên vững vàng và ổn định.


[1] Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng thủ dân sự.

[2] Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[3] Luật BVQLNTD 2023, Điều 63, khoản 1

[4] Luật BVQLNTD 2023, Điều 64, khoản 3

[5] Luật BVQLNTD 2023, Điều 8, khoản 1

[6] Luật Đấu thầu 2023, Điều 3, khoản 7, điểm đ

[7] Luật Đấu thầu 2023, Điều 73, khoản 1, điểm e

[8] Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử 2005

[9] Luật GDĐT 2023, Điều 26

Các bài viết trước

TẬP QUÁN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế đang là xu hướng của các nước trên thế giới, do vậy việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, các chủ thể là các bên đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng ký kết một hợp đồng, điều này khiến cho sự khác biệt trong cách áp dụng pháp luật điều chỉnh cũng như khác biệt trong cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vậy trong những trường hợp đó, doanh nghiệp cần lưu ý gì khi bước ra thị trường thế giới?

TRÁNH RỦI RO KHI THIẾT LẬP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, hợp đồng điện tử được thực hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung và cách thức thực hiện. Cũng chính vì vậy, các rủi ro tiềm ẩn về mặt kỹ thuật, về mặt pháp lý mà cũng ngày càng nhiều. Để phòng tranh các rủi ro này một cách hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử.

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

TỔNG KẾT HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI, TẬP HUẤN “NHẬN DIỆN, PHÒNG NGỪA RỦI RO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HIỆU QUẢ BẰNG HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI: MỘT SỐ LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA” THÁNG 11/2023

Hội nghị đối thoại, tập huấn “Nhận diện, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng hoà giải thương mại: Một số lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra vào ngày 24/11/2023 đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, chuyên viên pháp lý, luật sư và các giảng viên, sinh viên.

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023 phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) với chủ đề “Đầu tư xây dựng, Quản lý vận hành các nhà máy điện và giải quyết tranh chấp hợp đồng, các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện” đã nhận được sự tham gia trực tiếp kết hợp trực tuyến của chuyên gia cao cấp và đội ngũ nhân viên của Bitexco Power.

TỔNG KẾT HỘI THẢO HOÀ GIẢI TẠI PHÁP, CHÂU ÂU VÀ TẠI VIỆT NAM; VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG HOÀ GIẢI THÁNG 07/2023

Hội thảo Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải được tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các luật sư, hoà giải viên, giảng viên đầy kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hội thảo cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như thách thức đối với hoà giải tại Việt Nam.

Workshop “Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải” tháng 07/2023

Hoà giải đang dần thay đổi vai trò giải quyết tranh chấp “thay thế” để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các luật sư cũng như doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng. Workshop sẽ giúp hiểu thêm về hoà giải tại Pháp, tại Châu Âu và tại Việt Nam; cũng như biết thêm về vai trò của luật sư trong hòa giải

LƯU Ý KHI NHƯỢNG QUYỀN RA NƯỚC NGOÀI

Kể từ sau đại dịch COVID-19, với sự vươn lên mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa thương hiệu của mình ra thế giới. Với lợi thế về ẩm thực truyền thống và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là xu thế đã và đang tạo ra sự sôi động trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và hạn chế rủi ro khi áp dụng mô hình này. 

Viết một bình luận