Với sự phát triển của kinh tế – xã hội, tranh chấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn và vì thế, các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau đã được áp dụng, bao gồm thương lượng, hoà giải, trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng Toà án. Trong đó hoà giải, với tư cách là một biện pháp giải quyết tranh chấp, đã và đang được các bên tranh chấp cũng như luật sư trên thế giới ưa chuộng.
Báo cáo của Học viện Giải quyết Tranh chấp Quốc tế Singapore (SIDRA) dưới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về hoà giải xuyên biên giới:
BỐI CẢNH HÒA GIẢI XUYÊN BIÊN GIỚI: BÁO CÁO KHẢO SÁT NĂM 2022 CỦA SIDRA
Học viện Giải quyết Tranh chấp Quốc tế Singapore (SIDRA) đã công bố Báo cáo Khảo sát về Giải quyết Tranh chấp Quốc tế:
Báo cáo tập trung nghiên cứu về cách thức những người sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp, bao gồm các doanh nghiệp và đại diện hợp pháp của họ, đưa ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp xuyên biên giới, từ đó đưa ra các xu hướng có thể có trong tương lai.
Bài đăng này xem xét một số phát hiện liên quan đến lý do tại sao các khách hàng và luật sư chọn hòa giải để giải quyết các tranh chấp của họ và so sánh một số kết quả của Báo cáo khảo sát năm 2020 và 2022.
Tại sao chọn hòa giải

Phần lớn những người tham gia đã sử dụng phương thức hòa giải thương mại quốc tế để giải quyết tranh chấp vì việc tham gia hoà giải là nghĩa vụ phải thực hiện theo hợp đồng (67%) hoặc vì luật sư đã tư vấn rằng họ nên sử dụng hòa giải (61%).
Hầu hết những người tham gia nhận thấy rằng hòa giải là một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả giúp họ duy trì các mối quan hệ kinh doanh (94%) và bảo mật (89%). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì nguyên tắc bảo mật của cơ chế hòa giải là một điểm thu hút đối với các bên muốn duy trì mối quan hệ kinh doanh của họ.
Những người tham gia hài lòng với các đặc điểm sau của hòa giải: duy trì quan hệ kinh doanh (78%), công bằng (78%) và bảo mật (72%). Trong Báo cáo cuối cùng năm 2020, những người được hỏi cũng hài lòng với tính công bằng và bảo mật.
Hòa giải viên được lựa chọn như thế nào

Các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến sự lựa chọn hoà giải viên của những người tham gia là kinh nghiệm giải quyết tranh chấp (94%), đạo đức tốt (94%), kiến thức về ngành/vấn đề cụ thể (89%), khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ (89%) và sự quen thuộc về văn hóa (89%). Chỉ 39% số người được hỏi nghĩ rằng điều quan trọng là hòa giải viên phải đến từ một quốc gia thứ ba.
Về mức độ hài lòng, người tham gia hài lòng với kỹ năng ngoại ngữ (78%) và đạo đức tốt (78%) của hòa giải viên họ đã lựa chọn. Họ cũng hài lòng với kinh nghiệm giải quyết tranh chấp của hòa giải viên (72%).
Điều thú vị là chỉ có 56% số người tham gia hài lòng với kiến thức về ngành/vấn đề cụ thể của hoà giải viên. Điều này cho thấy rằng hầu hết những người tham gia đánh giá chuyên môn về vấn đề của hòa giải viên là quan trọng. Ví dụ: các bên trong tranh chấp liên quan đến đầu tư, công nghệ có thể yêu cầu hoà giải viên là chuyên gia trong các lĩnh vực này.
Đồng thời, điều quan trọng cần lưu ý là có một cuộc tranh luận gay gắt và đang diễn ra trong cộng đồng hòa giải chuyên nghiệp về việc liệu chuyên môn của hòa giải viên có nên liên quan đến quy trình thay vì liên quan đến vấn đề tranh chấp hay không.
Mối liên kết giữa công nghệ và hoà giải

Nhìn vào Báo cáo năm 2022 có thể thấy, 78% số người tham gia khảo sát thấy nền tảng ảo/ trực tuyến hữu ích cho việc tiến hành hoà giải. Trong khi đó, tại Báo cáo năm 2020, chỉ 35% số người thấy hoà giải trực tuyến là hữu ích.
Hiện nay, công nghệ hiện đại đang được áp dụng nhiều hơn, do đó người tham gia thấy việc sử dụng hỗ trợ hỗ trợ đàm phán và công cụ đàm phán tự động tăng từ 29% (Báo cáo năm 2020) lên 50% (Báo cáo năm 2022). Xu hướng tương tự xảy ra với hồ sơ điện tử hay thẩm định pháp lý, từ 33% tăng lên 39%.
Nguyên nhân của của sự khác biệt này là do thời điểm đại dịch diễn ra cũng là lúc việc sử dụng công nghệ tăng mạnh, làm cho các trình tự thủ tục trực tuyến tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí.
Ngược lại, mức độ hữu ích của việc phân tích chỉ định hoà giải viên hay luật sư trong Báo cáo năm 2020 giảm từ 36% xuống 33% tại Báo cáo năm 2022. Thực tế, luật sư bên ngoài với kinh nghiệm tham gia các phiên hoà giải đôi khi biết rõ hoà giải viên và nghĩ rằng điều này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của buổi hoà giải. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ đã loại bỏ các yếu tố trên và do vậy không được các luật sư bên ngoài ưa chuộng.
Sự tham gia của hòa giải trong giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước
Theo Báo cáo năm 2022, giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chỉ xếp sau trọng tài – phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng phổ biến nhất đối với các tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Có thể thấy, sự gia tăng của hòa giải trong bối cảnh xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước đã được chú ý. Cụ thể, trong phiên họp về Phương án cải cách về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước của Nhóm công tác III của UNCITRAL đã nhấn mạnh vai trò của hoà giải bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp khác và cách phát huy hiệu quả của những biện pháp này.
Bên cạnh đó, Quy tắc hoà giải mới của Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) cũng đã có hiệu lực trong thời gian gần đây. Theo đó, quy tắc được áp dụng cho các vấn đề đầu tư của quốc gia hoặc tổ chức hội nhập kinh tế khu vực và các bộ phận hoặc cơ quan tương ứng của họ.
Nhìn chung, hoà giải đang ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ vì phương pháp này giúp tranh chấp được giải quyết nhanh chóng mà còn giúp duy trì mối quan hệ kinh doanh giữa các bên. Trong tương lai, hoà giải sẽ tiếp tục là một phương pháp hiệu quả để giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới về thương mại và đầu tư.
Ở Việt Nam, nhờ những ưu điểm về: thủ tục thực hiện đơn giản, chi phí hợp lý, tính bảo mật cao, thời gian giải quyết nhanh chóng, hoà giải cũng dần được các cá nhân, doanh nghiệp ưa chuộng hơn khi cần giải quyết tranh chấp. Và Trung tâm Hoà giải Thương Mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) đã và đang tiếp tục nỗ lực để góp phần vào bối cảnh hoà giải xuyên biên giới nói chung, hoà giải tại Việt Nam nói riêng.
(Bài viết được trích từ “The Cross-Border Mediation Landscape: 2022 SIDRA Survey Final Report“, do Ban Thư ký VICMC lược dịch từ bài viết của Angela Abala trên website https://mediationblog.kluwerarbitration.com)