Thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện đang có khoảng 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lại trở thành chủ đề nóng được nhiều người dân quan tâm.
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, người dân có những lựa chọn nào để bảo vệ quyền lợi của mình? Hòa giải thương mại – một phương thức giải quyết tranh chấp đang phát triển tại Việt Nam liệu có thể là giải pháp tối ưu? Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam đã có bài phỏng vấn về chủ đề này với Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH).
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất phức tạp. Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định rõ về quyền và trách nhiệm của các bên khi tham gia bảo hiểm, nội dung cơ bản của một hợp đồng bảo hiểm.
Do đó, người tham gia bảo hiểm cần đọc kĩ nội dung hợp đồng để hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trường hợp ý chí xác lập hợp đồng của người tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa phù hợp với các điều kiện của hợp đồng có thể dẫn đến việc người tham gia bảo hiểm cho rằng họ không được bảo vệ khi tranh chấp xảy ra.
Hòa giải thương mại – Giải pháp tối ưu cho tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra các phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Như vậy, phương thức hòa giải linh hoạt có thể là lựa chọn của các bên khi tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ xảy ra. Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, hòa giải thương mại có tính ưu việt hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Cụ thể, các bên tranh chấp có thể cùng nhau tìm những giải pháp tối ưu theo quy định hợp đồng, pháp luật hoặc theo mong muốn của các bên với sự giúp đỡ của bên thứ ba là hòa giải viên. Do đó, hòa giải thương mại còn được coi là phương thức giải quyết tranh chấp mà ở đó công lý do các bên tự quyết định.
Một trong những điểm ưu việt khác của hòa giải thương mại là tính tính riêng tư và bảo mật. Khác với tòa án sau khi xét xử phải công khai bản án thì đối với hòa giải thương mại, mọi thông tin được các bên chia sẻ trong suốt quá trình hòa giải sẽ hoàn toàn được bảo mật, giữ kín.
Thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại được đánh giá là thân thiện và linh hoạt. Khi các bên tranh chấp cùng đồng ý tham gia hòa giải thì quá trình hòa giải mới được tiến hành. Hòa giải diễn ra thông qua việc trao đổi giữa các bên được diễn ra trong một môi trường thân thiện và linh hoạt mà không đòi hỏi phải áp dụng một cách cứng nhắc bất kỳ quy trình thủ tục nào như một phiên xét xử tại Tòa án.
Trong hòa giải, các bên vẫn giữ được quyền quyết định đối với kết quả của việc giải quyết tranh chấp. Nhờ vậy mà kết quả hòa giải có thể mang lại lợi ích cho các bên tranh chấp. Ngoài ra, chi phí cho hòa giải thường thấp hơn so với chi phí tranh tụng. Thủ tục linh hoạt, đơn giản cũng giúp cho các bên tham gia hòa giải tiết kiệm thời gian, công sức chuẩn bị cũng như tránh được tình trạng trì hoãn mở phiên tòa trong tố tụng.
Hiện nay, người dân có thể tìm kiếm thông tin về các trung tâm hòa giải thương mại, trung tâm trọng tài có chức năng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại vụ việc trên trang web của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố.
Nghe lại bài phỏng vấn đầy đủ tại chương trình “Diễn đàn doanh nghiệp: Hòa giải thương mại trong tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ” hoặc Thời sự 5h30 ngày 15/04/2023.
Ban Thư ký VICMC