Khai thác thương mại tài sản trí tuệ và khả năng GQTC SHTT bằng thương lượng, hoà giải

Ý nghĩa của việc bảo hộ các quyền đối với tài sản trí tuệ chính là giá trị thương mại của việc sở hữu độc quyền các tài sản trí tuệ đó. Khác với tài sản hữu hình, quyền Sở hữu trí tuệ về căn bản có những đặc trưng như: đối tượng của quyền là tài sản vô hình; đây là loại tài sản tồn tại dưới dạng thông tin, có khả năng lan truyền nhanh và dễ bị người khác sử dụng mà chủ thể sáng tạo không thể kiểm soát tuyệt đối như tài sản hữu hình khác; tài sản này không cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng mà trái lại chúng có thể được phát triển, hoàn thiện hơn trong quá trình sử dụng, càng được sử dụng thì càng tăng giá trị. Về bản chất, quyền Sở hữu trí tuệ có tính chất độc quyền do pháp luật công nhận và bảo hộ nhằm chống lại mọi hành vi xâm phạm. Từ góc độ quản trị kinh doanh, khai thác các Quyền Sở hữu trí tuệ có nhiều điểm khác so với tài sản hữu hình thông thường.

Khai thác thương mại tài sản trí tuệ và khả năng GQTC SHTT bằng thương lượng, hoà giải

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành liệt kê rất nhiều khái niệm, song không có khái niệm “khai thác thương mại” đối với các Quyền Sở hữu trí tuệ. Nếu viện dẫn Luật Thương mại[1], có thể định nghĩa khai thác thương mại là tất cả các hành vi nhằm sử dụng các Quyền Sở hữu trí tuệ để thu lợi nhuận một cách hợp pháp. Sở hữu là một quyền, quyền ấy có thể được người chủ tùy nghi sử dụng. Nếu họ sử dụng quyền ấy cho các mục tiêu mang tính tiêu dùng cá nhân, không sinh lợi, không vì lợi nhuận thì không được gọi là khai thác thương mại.

Thông thường, khai thác thương mại cần gắn với hành vi của thương nhân, được tiến hành một cách độc lập, thường xuyên, chuyên nghiệp, vì mục tiêu lợi nhuận. Người chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể tự mình sử dụng hoặc cho người khác sử dụng một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình.

1. Các hình thức khai thác thương mại tài sản sở hữu trí tuệ

Khi nằm trong tay tư nhân, quyền sở hữu tài sản sẽ được giới chủ tự do định đoạt, khai thác và hưởng dụng một cách tối đa nhất tuỳ vào từng hoàn cảnh. Điều này đúng với tài sản hữu hình, thì cũng đúng với các đối tượng Quyền Sở hữu trí tuệ. Có được quyền tự do kinh doanh, thương nhân sẽ sáng tạo ra vô tận các phương cách để khai thác các Quyền Sở hữu trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất, sinh lợi nhất cho họ. Luật pháp Việt Nam, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có thể đặt ra một số giới hạn, có thể đưa ra một số gợi ý và định hướng, có thể đưa ra các quy định mang tính dự phòng nhằm bảo đảm công bằng, song không thể nghĩ thay và làm thay doanh nghiệp.

Từ thực tiễn kinh doanh, có thể khái quát 4 hình thức hình thức khai thác thương mại quyền Sở hữu trí tuệ: Chuyển nhượng quyền sở hữu (mua bán quyền), Chuyển quyền sử dụng (Licensing), Góp giá trị quyền sở hữu trí tuệ làm vốn góp trong kinh doanh và Nhượng quyền thương mại. Trong đó, chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ (Lisencing) là một trong những phương cách khai thác thương mại phổ biến nhất.

Chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ (Licensing) là gì

Sau khi được xác lập, quyền Sở hữu trí tuệ tạo cho chủ sở hữu quyền đó một nhóm các quyền mang tính độc quyền. Chủ sở hữu tùy nghi sử dụng từng loại quyền ấy tùy theo khả năng và lựa chọn của mình. Ví dụ, với tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền công bố tác phẩm, xuất bản, lưu hành, phân phối tác phẩm tới công chúng, cho phép chuyển thể tạo ra tác phẩm phái sinh. Với giải pháp hữu ích và sáng chế, người chủ văn bằng có độc quyền sản xuất, áp dụng quy trình được bảo hộ, được lưu thông, quảng cáo, phân phối sản phẩm đó. Với giống cây trồng, người chủ văn bằng có quyền sản xuất, nhân giống, chào bán, xuất nhập khẩu giống mới được bảo hộ. Chủ sở hữu còn có thể cấp phép người khác sử dụng và khai thác một phần hay toàn bộ những quyền sử dụng ấy trong một thời hạn và không gian địa lý xác định. Việc cấp phép ấy thường được gọi là cấp Lisencing sử dụng một độc quyền, hay còn gọi là chuyển quyền sử dụng quyền Sở hữu trí tuệ.

Trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, người chủ sở hữu chỉ có thể cấp Lisencing sử dụng đối với nhãn hiệu hàng hóa, bí mật thương mại, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích và sáng chế.[2] Người chủ sở hữu không được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý và tên thương mại cho người khác. Thông thường cấp quyền sử dụng, ví dụ sản xuất hay chế biến để tiêu thụ một sản phẩm dưới một thương hiệu nhất định, người cấp Lisencing thường phải chuyển giao công nghệ cho người nhận (bao gồm kiến thức, bí mật kinh doanh, các thông tin bảo mật trong quy trình sản xuất, tập huấn nhân sự, và kiểm tra giám sát sau khi chuyển giao). Vì vậy, cấp Lisencing thường đi liền với chuyển giao cùng một lúc nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp.

Các hợp đồng Lisencing được pháp luật Việt Nam quy định phải được lập thành văn bản.[3] Vì sự phức tạp của các nghĩa vụ đan xen giữa các bên, sự ràng buộc về công nghệ, tài chính và pháp lý giữa bên cấp và bên nhận trong một thời gian dài, để tránh rủi ro những văn bản hợp đồng này nên được soạn thảo bởi luật sư chuyên nghiệp. Tùy theo lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, không chỉ cần được thể hiện bằng văn bản, mà đôi khi hợp đồng này còn phải được đăng ký với cơ quan nhà nước, nhất là khi chúng có bản chất là các hợp đồng chuyển giao công nghệ mà nhà nước quản lý khá chặt chẽ.

Các hợp đồng cấp Lisencing mặc nhiên có hiệu lực giữa hai bên cấp quyền và bên nhận quyền mà không cần phải đăng ký, song chúng chỉ có hiệu lực với các bên thứ ba nếu đã được đăng ký (đăng ký đối kháng). Ví dụ A cấp Lisencing cho B sản xuất và phân phối thuốc cảm cúm P tại thị trường Việt Nam, hợp đồng này không cần phải đăng ký, nó mặc nhiên có hiệu lực giữa A và B. Song để hiệu lực của hợp đồng giữa A và B có hiệu lực với tất cả các nhà cung cấp thuốc khác ở Việt Nam, việc cấp Lisencing này cần được đăng ký với cơ quan nhà nước.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đưa ra một số gợi ý về nội dung cần có của một bản hợp đồng cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích hay sáng chế.[4] Trên thực tế, nội dung của điều luật này chỉ là vài gợi ý sơ sài, việc tiết lộ bí mật và cho phép người khác được sản xuất chế biến hàng hóa với quy trình, bí quyết, thậm chí được chào hàng và phân phối sản phẩm dưới thương hiệu của mình là một quyết định khó khăn, cần được suy tính cẩn trọng, lường trước được các rủi ro và quản trị các rủi ro đó một cách phù hợp. Như vậy, hợp đồng cấp Lisencing thường rất phức tạp. Các nội dung cần phải đàm phán phổ biến nhất bao gồm: (i) loại Lisencing (độc quyền hay không độc quyền), (ii) phạm vi cấp quyền (phạm vi lãnh thổ, giới hạn cấp quyền), (iii) thời hạn chuyển giao, (iv) nghĩa vụ của bên cấp quyền, (v) nghĩa vụ của bên nhận quyền, (vi) giá cấp quyền, (vii) trao đổi thông tin, nghĩa vụ bảo mật, phát triển và hoàn thiện công nghệ được chuyển giao, và nhiều nội dung khác khi các bên xét thấy cần thiết.

Giải quyết tranh chấp về quyền khai thác thương mại tài sản trí tuệ

Với một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ không ngừng gia tăng. Vì vậy, trên thực tiễn tranh chấp liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ xảy ra ngày càng nhiều là hiện tượng hiển nhiên do quy luật phát triển khách quan. Chúng ta không thể né tránh các hiện tượng tranh chấp giữa các chủ thể liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ mà tốt nhất là xây dựng được khung hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, dự kiến được các trường hợp tranh chấp để có thể giải quyết được những xung đột về lợi ích giữa các chủ thể đồng thời đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình khai thác thương mại tài sản trí tuệ về bản chất là những tranh chấp dân sự. Vì vậy, những tranh chấp này luôn có thể được giải quyết bằng các phương thức mang tính dân sự như thương lượng và hoà giải. Khi xây dựng chính sách pháp luật về giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ, Nhà nước bao giờ cũng khuyến khích các bên đương sự tự thương lượng hòa giải để ổn định môi trường phát triển của quan hệ Sở hữu trí tuệ lành mạnh, tạo động lực phát triển chung cho nền kinh tế.

Ngoài ra, thông lệ quốc tế cũng khuyến khích các bên tìm kiếm tiếng nói chung trong các tranh chấp bằng cách sử dụng một cơ chế phi nhà nước (phi tài phán), đó chính là hoà giải. Các hoà giải viên, khi tham gia vào quá trình hoà giải, sẽ đóng vai trò như người chia sẻ sự lo lắng cho các bên về những quyền lợi bị xâm phạm. Thông qua các kỹ năng điều phối thúc đẩy đối thoại, hoà giải viên còn là những cầu nối trung gian, hỗ trợ các bên kiềm chế những căng thẳng, xung đột. Cuối cùng, quy trình hoà giải linh hoạt là một ưu điểm mang tính tuyệt đối khi so sánh giữa hoà giải và tố tụng toà án. Chỉ khi các bên tranh chấp tìm kiếm được tiếng nói và tầm nhìn chung cho tất cả những mâu thuẫn, thì cuộc tranh chấp sẽ không có người thắng người thua mà chỉ còn lại những đối tác đáng tin cậy và lâu dài.

Hòa giải viên, TS. Lê Hưng Long


[1] Điều 3 Luật Thương Mại 2005 quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”

[2] Điều 141 đến 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

[3] Xem các Điều 48.1, 141.2, 192.3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

[4] Xem Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ

Các bài viết trước

TẬP QUÁN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế đang là xu hướng của các nước trên thế giới, do vậy việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, các chủ thể là các bên đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng ký kết một hợp đồng, điều này khiến cho sự khác biệt trong cách áp dụng pháp luật điều chỉnh cũng như khác biệt trong cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vậy trong những trường hợp đó, doanh nghiệp cần lưu ý gì khi bước ra thị trường thế giới?

TRÁNH RỦI RO KHI THIẾT LẬP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, hợp đồng điện tử được thực hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung và cách thức thực hiện. Cũng chính vì vậy, các rủi ro tiềm ẩn về mặt kỹ thuật, về mặt pháp lý mà cũng ngày càng nhiều. Để phòng tranh các rủi ro này một cách hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử.

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

TỔNG KẾT HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI, TẬP HUẤN “NHẬN DIỆN, PHÒNG NGỪA RỦI RO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HIỆU QUẢ BẰNG HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI: MỘT SỐ LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA” THÁNG 11/2023

Hội nghị đối thoại, tập huấn “Nhận diện, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng hoà giải thương mại: Một số lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra vào ngày 24/11/2023 đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, chuyên viên pháp lý, luật sư và các giảng viên, sinh viên.

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023 phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) với chủ đề “Đầu tư xây dựng, Quản lý vận hành các nhà máy điện và giải quyết tranh chấp hợp đồng, các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện” đã nhận được sự tham gia trực tiếp kết hợp trực tuyến của chuyên gia cao cấp và đội ngũ nhân viên của Bitexco Power.

TỔNG KẾT HỘI THẢO HOÀ GIẢI TẠI PHÁP, CHÂU ÂU VÀ TẠI VIỆT NAM; VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG HOÀ GIẢI THÁNG 07/2023

Hội thảo Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải được tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các luật sư, hoà giải viên, giảng viên đầy kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hội thảo cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như thách thức đối với hoà giải tại Việt Nam.

Workshop “Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải” tháng 07/2023

Hoà giải đang dần thay đổi vai trò giải quyết tranh chấp “thay thế” để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các luật sư cũng như doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng. Workshop sẽ giúp hiểu thêm về hoà giải tại Pháp, tại Châu Âu và tại Việt Nam; cũng như biết thêm về vai trò của luật sư trong hòa giải

LƯU Ý KHI NHƯỢNG QUYỀN RA NƯỚC NGOÀI

Kể từ sau đại dịch COVID-19, với sự vươn lên mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa thương hiệu của mình ra thế giới. Với lợi thế về ẩm thực truyền thống và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là xu thế đã và đang tạo ra sự sôi động trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và hạn chế rủi ro khi áp dụng mô hình này. 

LƯU Ý GÌ KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ?

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Hợp đồng thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng này ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung, cách thức thực hiện khiến cho các giao dịch thương mại phát triển, mở rộng và tự do hơn. Bên cạnh sự thuận lợi đem lại, hình thức giao dịch bằng hợp đồng thương mại điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà các chủ thể thực hiện không lường trước được và cũng như thiếu căn cứ pháp lý để được bảo đảm. 

Viết một bình luận