Điều khoản hòa giải trong hợp đồng là gì?

Điều khoản hòa giải trong hợp đồng được hiểu là thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp phát sinh ra giải quyết bằng phương thức hòa giải. Theo kinh nghiệm thực tiễn về hòa giải tại các nước phát triển, một điều khoản hòa giải thông thường sẽ được soạn thảo như sau: “Trong trường hợp có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này, các bên thống nhất sẽ tiến hành hòa giải một cách thiện chí tại Trung tâm hoà giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) theo Quy tắc hòa giải của Trung tâm này. Các bên sẽ bị ràng buộc bởi thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được từ tiến trình hòa giải.”.[1] Cũng tương tự như điều khoản trọng tài, hòa giải có thể được quy định thành một điều khoản ngay trong hợp đồng giữa các bên hoặc được thoả thuận trong một hợp đồng riêng. Điều khoản này có thể được soạn thảo trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Câu hỏi được đặt ra là khi các bên đã có điều khoản hòa giải (ví dụ các bên thỏa thuận tiến hành hòa giải tại Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam VICMC) và một bên đơn phương khởi kiện tới Tòa án thì Tòa án có từ chối và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải tại VICMC hay không? Theo quy định hiện hành, việc các bên có thỏa thuận hòa giải không phải là một căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý vụ án. Như vậy, việc các bên có thỏa thuận hòa giải trở nên vô nghĩa hoặc cùng lắm cũng chỉ có ý nghĩa khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, mà không hề có ý nghĩa ràng buộc của một quy định trong hợp đồng. Nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực hòa giải tại các nước phát triển đều cho rằng, việc Tòa án không công nhận và yêu cầu các bên thực thi thỏa thuận hòa giải trước khi thụ lý vụ án là đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của hợp đồng và không hỗ trợ cho sự phát triển của phương thức này. Không ai bắt các bên tham gia vào thỏa thuận hòa giải, do vậy, về nguyên tắc, các bên có trách nhiệm tôn trọng và thực thi những điều mà họ đã thỏa thuận. Ngoài ra, về mặt chính sách, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức hòa giải, góp phần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp nhằm giảm tải cho hệ thống Tòa án thì việc Tòa án tạm dừng việc thụ lý vụ án và yêu cầu các bên tiến hành hòa giải trước là một việc làm hết sức có ý nghĩa.

Vấn đề cơ bản ở đây chính là sự cân nhắc giữa một bên là việc đảm bảo quyền được tiếp cận hệ thống Tòa án của các tổ chức, cá nhân trong xã hội với một bên là việc khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả thông qua phương thức hòa giải, giảm tải công việc cho các Tòa án. Hiện nay, pháp luật của một số nước như Anh, Australia, Hong Kong, Singapore… cũng đang đi theo xu hướng công nhận tính bắt buộc của điều khoản hòa giải. Theo kinh nghiệm của các nước này, trong trường hợp trong hợp đồng giữa các bên có điều khoản hòa giải, Tòa án sẽ chỉ tiến hành thụ lý vụ án nếu:

(i) điều khoản hòa giải giữa các bên được quy định không rõ ràng (ví dụ không quy định thời hạn dành cho việc hòa giải), hoặc

(ii) đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không tiến hành hòa giải, hoặc

(iii) các bên đã tham gia vào quá trình hòa giải và đã hết thời hạn dành cho việc hòa giải theo hợp đồng mà các bên không đạt được thỏa thuận.

Nếu bên khởi kiện không chứng minh được vụ tranh chấp thuộc một trong các trường hợp nói trên, Tòa án sẽ tạm dừng quá trình tố tụng và yêu cầu các bên thực hiện điều khoản hòa giải trước.

Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam là nếu đã có thỏa thuận về hòa giải thì khi tranh chấp xảy ra, các bên nên thực hiện hòa giải một thiện chí, hợp tác, và chỉ khi không thể hòa giải thành thì mới tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài.

BTK VICMC

Nguồn tham khảo:

  1. Nguyễn Hưng Quang (2020). Hoà giải – Xu hướng giải quyết tranh chấp thương mại trong thời kỳ hội nhập. Tạp chí của Hội Luật Quốc Tế Việt Nam VSIL.
  2. http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=8610752&article_details=1

 

[1] Điều khoản hoà giải mẫu của VICMC.

Các bài viết trước

Viết một bình luận