Trong sáng ngày 22/9/2022, Hội thảo “Công ước Singapore về hòa giải và khả năng gia nhập của Việt Nam” do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại Hội trường A402, Tầng 4 Nhà A Đại học Luật Hà Nội. LS. Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC), Luật sư sáng lập và điều hành của Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự – đã tham gia trình bày về chủ đề “Quy tắc ứng xử của hòa giải viên và hệ quả của việc vi phạm quy tắc này theo Công ước Singapore về hòa giải”.
Hội thảo “Công ước Singapore về hòa giải và khả năng gia nhập của Việt Nam” có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện Vụ trưởng, Vụ phó, Trưởng phòng Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế và Đại diện Vụ pháp chế và quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao, các trung tâm hòa giải thương mại, trường Đại học, lãnh đạo các Khoa, giảng viên, học viên, sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội.

Nhiều chủ đề thú vị xoay quanh Công ước Singapore và việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành của Việt Nam đã được các diễn giả trình bày và trao đổi ý kiến trong suốt hai phiên thảo luận của Hội thảo. Nhiều ý kiến đồng tình với việc Việt Nam cần sớm gia nhập Công ước Singapore về hòa giải để có thể nâng cao hiệu quả và phổ biến việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại.
Nội dung và thực tiễn áp dụng của Công ước Singapore về hòa giải trên thế giới, đặc biệt là các căn cứ từ chối trợ giúp hỗ trợ cho việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành, cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Phát biểu tại Hội thảo, LS. Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC), Luật sư sáng lập và điều hành của Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự – đã nhấn mạnh về vai trò của các tiêu chuẩn về đạo đức và ứng xử trong hoạt động hoà giải, bao gồm việc nâng cao chất lượng của hoạt động và bảo đảm kết quả hoà giải thành là từ chính các bên tranh chấp mang lại.
Trong khi Công ước Singapore về hòa giải có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển và áp dụng các quy tắc của hoạt động hoà giải, bản thân các tổ chức hoà giải cần phải xây dựng các bộ quy tắc: quy tắc hoà giải và quy tắc đạo đức ứng xử. LS. cũng đưa ra đề xuất Bộ Tư pháp cần sớm có ban hành một bộ mẫu về quy tắc đạo đức, ứng xử hoà giải viên để có thể áp dụng chung đối với các hoà giải viên vụ việc cũng như các hoà giải viên của các tổ chức hoà giải.
Có thể thấy, mặc dù số lượng thành viên và vụ việc áp dụng trong thực tiễn còn khiêm tốn song Công ước Singapore về hòa giải vẫn nhận được sự kỳ vọng lớn của các chuyên gia pháp lý về khả năng thúc đẩy sự phát triển, phổ biến rộng rãi của phương thức này trong tương lai. Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam cần tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực của hòa giải viên, đặc biệt thông qua tuân thủ các tiêu chuẩn trong quy tắc đạo đức, ứng xử hoà giải viên.
Ban Thư ký VICMC