Về nội dung góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung về HĐXD
Với trách nhiệm đóng góp ý kiến vào dự thảo quy định pháp luật, Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) đã gửi các ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung về hợp đồng xây dựng (Dự thảo) theo công văn số 1334/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng ngày 20/04/2022. Những ý kiến này chủ yếu mang tính kỹ thuật soạn thảo về nội hàm pháp lý mà không ảnh hưởng đến các quy định, hướng dẫn về chính sách của Dự thảo.
Là trung tâm hoà giải thương mại đầu tiên của Việt Nam, VICMC tập trung phân tích và đóng góp ý kiến đối với các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp nói chung và ban xử lý tranh chấp nói riêng. Xem chi tiết văn bản góp ý dự thảo Thông tư của Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) tại đây.
Tải Toàn văn dự thảo Thông tư tại tệp đính kèm sau: Dự thảo Thông tư

Về phương thức thương lượng và hòa giải thương mại
Điều 146 Luật Xây dựng xác định rõ thương lượng và hoà giải là 2 phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên tự tiến hành. Còn hoà giải là phương thức giải quyết có bên thứ ba (hoà giải viên) tham gia làm trung gian hỗ trợ giải quyết tranh chấp (xem Điều 3 của Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại).
Về cơ chế Ban xử lý tranh chấp
Với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án xây dựng, sự gia tăng các tranh chấp xây dựng là không thể tránh khỏi. Đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị lớn và thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, điều cần thiết là giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài để hai bên có thể tiếp tục hoàn thành dự án, mặc dù có xung đột, thậm chí là tranh chấp xảy ra. Do đó, khi xảy ra xung đột, điều quan trọng là cần đưa ra một giải pháp làm hài lòng các bên để có thể đi tới thỏa thuận.
Ban xử lý tranh chấp trong các hợp đồng xây dựng ra đời nhằm mục tiêu đó. Ban xử lý tranh chấp thực hiện nhiệm vụ rà soát, phát hiện để xử lý các mâu thuẫn và phân xử các tranh chấp. Đặc điểm này rất phù hợp với mục tiêu của phương thức hòa giải, đưa ra giải pháp hài lòng cả hai bên, từ đó giúp giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Việc hình thành và hoat động của Ban xử lý tranh chấp được quy định tại Điều 45 của Nghị định 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng. Theo quy định này, kết luận của Ban xử lý tranh chấp là “kết luận hoà giải”. Như vậy, có thể coi thủ tục giải quyết tranh chấp của Ban xử lý tranh chấp là một thủ tục hoà giải.
Theo quy định của Luật Thương mại, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan khác, hoạt động xây dựng là một hoạt động thương mại. Do đó, việc áp dụng cơ chế hoà giải thương mại cho các tranh chấp xây dựng là phù hợp với các quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Việc áp dụng phương thức hoà giải thương mại sẽ giúp cho kết quả hoà giải thành của Ban xử lý tranh chấp sẽ được bảo đảm thực thi theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Ban Thư ký VICMC