Những lưu ý khi lựa chọn Hòa giải viên (phần 1)

Khi tranh chấp xảy ra, việc lựa chọn hòa giải viên có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quá trình hòa giải. Vì vậy, các bên tham gia hòa giải nên xem xét nhiều yếu tố trước khi lựa chọn hoà giải viên.

Những lưu ý khi lựa chọn Hòa giải viên

1. Kinh nghiệm chuyên môn của hòa giải viên

Tùy thuộc vào vấn đề tranh chấp, mức độ phức tạp của tranh chấp, cũng như ngân sách, các bên có thể lựa chọn các hòa giải viên có kinh nghiệm chuyên môn phù hợp. Một hòa giải viên thương mại am hiểu cả khía cạnh pháp lý và thương mại sẽ hỗ trợ các bên tham gia hòa giải đi tới các giải pháp phù hợp và có lợi cho tất cả các bên.

Với những tranh chấp có tính chất phức tạp, các bên có thể lựa chọn các hòa giải viên giàu kinh nghiệm và sẵn sàng dành thời gian để trao đổi với các bên (tuy nhiên, điều này thường đi kèm với mức phí cao hơn).

Bên cạnh việc lựa chọn hòa giải viên đã quen biết trước đó hoặc lựa chọn hòa giải viên thông qua giới thiệu, các bên có thể lựa chọn hòa giải viên làm việc tại các trung tâm hòa giải có uy tín. Tại đây, các bên có thể lựa chọn hòa giải viên phù hợp theo lĩnh vực, kinh nghiệm, ngôn ngữ và yêu cầu trung tâm hòa giải cung cấp CV/hồ sơ của hòa giải viên tiềm năng để đánh giá.

2. Kỹ năng giao tiếp của hòa giải viên

Khi xảy ra tranh chấp, các bên gặp phải những vấn đề gây cản trở quá trình hợp tác của họ. Trở ngại ấy có thể là xung đột lợi ích, cũng có thể là trở ngại tâm lý khiến các bên không thể giao tiếp một cách chân thành, thiện chí. Khi ấy, hòa giải viên chính là người hỗ trợ quá trình đối thoại này khi họ khám phá những nguyên nhân ẩn sau sự xung đột, giúp các bên vượt qua các trở ngại, khám phá và kết nối các điểm giúp các bên có được tiếng nói chung.

Do đó, hòa giải viên cần phải có phong cách giao tiếp phù hợp để tạo được sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ từ các bên tham gia hòa giải. Bên cạnh đó, hòa giải viên cũng cần có những kỹ năng phù hợp để giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình hòa giải.

Hiện nay, nhiều trung tâm hòa giải uy tín như CEDR, SIMC, VICMC đã tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng dành cho hòa giải viên và cấp chứng nhận hoàn thành khóa học khi học viên vượt qua bài thi mô phỏng phiên hòa giải thực tế. Đây có thể là một cơ sở để đánh giá kỹ năng giao tiếp của hòa giải viên. Bên cạnh đó, trước khi chính thức lựa chọn, các bên có thể trao đổi riêng với hòa giải viên tiềm năng để đánh giá kỹ năng giao tiếp.

3. Chứng nhận về tư cách hợp pháp của hòa giải viên

Tư cách hợp pháp của hòa giải viên là yếu tố cuối cùng mà các bên cần xem xét khi lựa chọn hòa giải viên. Tư cách hợp pháp của hòa giải viên sẽ đảm bảo kết quả hòa giải được Tòa án công nhận và cho thi hành trong trường hợp hòa giải thành công.

Ở Việt Nam, một Hòa giải viên có tư cách hợp pháp khi (i) hòa giải viên được đăng ký vào danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc được công bố trên Cổng thông tin điện tư của Sở Tư pháp của từng địa phương hoặc (ii) hòa giải viên thuộc danh sách hòa giải viên của tổ chức hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

————————-

Hiện nay VICMC đang mở đơn đăng ký tham dự “Khóa tập huấn kỹ năng thương lượng và hòa giải tranh chấp thương mại” vào tháng 04/2022. Học viên hoàn thành khóa tập huấn sẽ được cấp chứng nhận và có thể sử dụng để đăng ký trở thành HGV thương mại vụ việc tại Sở Tư pháp địa phương hoặc có cơ hội được xem xét trở thành HGV của VICMC. Tìm hiểu thêm thông tin tại đây.

Ban Thư ký VICMC

Các bài viết trước

Viết một bình luận