Trong văn hóa của nhiều quốc gia châu Á, tách trà mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Trong mỗi cuộc trò chuyện, người chủ trì sẽ bắt đầu bằng việc mời những vị khách của mình thưởng thức tách trà đầu tiên. Qua cung cách mời trà, người ta cảm nhận được phần nào cái tâm, cái tình của người mời trà.
Đó chính là cách mà Hòa giải viên người Singapore bắt đầu buổi hòa giải giữa hai doanh nghiệp Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Thông qua những tách trà, Hòa giải viên đã mở ra bầu không khí cởi mở, thiện chí của buổi hòa giải, giúp các bên vượt qua những trở ngại tâm lý ban đầu, chia sẻ về vấn đề tranh chấp một cách chân thành, trong đó có cả những vấn đề chưa bao giờ được tiết lộ. Đây cũng là tiền đề để hai doanh nghiệp này đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong buổi hòa giải, một thỏa thuận chấm dứt sự hợp tác của hai doanh nghiệp trong một nhà máy liên doanh tại Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động tại nhà máy.
Thấu hiểu về văn hóa, khám phá các khía cạnh ẩn giấu của tranh chấp và đưa ra các giải pháp sáng tạo là những kỹ năng không thể thiếu của các hòa giải viên, đồng thời cũng là lý do khiến cho hòa giải có những ưu thế đặc biệt so với trọng tài hay tòa án. Để hiểu hơn về cách hòa giải viên sử dụng những kỹ năng này, VICMC trân trọng giới thiệu bài viết về một vụ tranh chấp đã được hòa giải tại Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore SIMC.

Cuộc đối thoại bên tách trà
Một buổi hòa giải thường bắt đầu bằng một phiên họp chung, nơi tất cả các bên cùng gặp gỡ và chia sẻ với hòa giải viên. Trong buổi hòa giải tại Seoul của hai doanh nghiệp Hàn Quốc và Hoa Kỳ, Hòa giải viên đã bắt đầu bằng việc tự tay pha và mời các bên dùng trà. Những tách trà đã mở ra bầu không khí cởi mở, thiện chí, giúp các bên vượt qua trở ngại tâm lý ban đầu để chia sẻ về tranh chấp một cách chân thành, trong đó có cả những vấn đề chưa bao giờ được tiết lộ.
Sau tách trà đầu tiên, câu chuyện về vụ tranh chấp đã dần được hé mở. Vụ tranh chấp liên quan đến một nhà máy liên doanh giữa hai doanh nghiệp tại Việt Nam đã hoạt động trong khoảng 10 năm. Tuy nhiên, hoạt động của nhà máy không đạt được những kết quả mà hai bên đã kỳ vọng. Sau đó, hai bên bắt đầu cáo buộc bên còn lại đã vi phạm các nghĩa vụ trong Thỏa thuận cổ đông mà hai bên đã ký kết. Mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của nhà máy, mà còn tác động tới các khách hàng, người lao động, và quan hệ lâu dài của hai doanh nghiệp.
Thỏa thuận hòa giải lúc nửa đêm
Sau quá trình trao đổi với hai bên thông qua các phiên họp chung và phiên họp riêng, Hòa giải viên đã thành công thuyết phục hai doanh nghiệp thay đổi quan điểm cố hữu của mình về vụ việc. Hòa giải viên đã chỉ ra rằng ngay cả khi tranh chấp được giải quyết dứt điểm bằng một bản án hay phán quyết, các bên vẫn sẽ cùng là cổ đông của nhà máy, bất kể bên nào dành được ưu thế. Chính nhận thức này đã thúc đẩy các bên nỗ lực hòa giải để đi đến một thỏa thuận cho phép việc chấm dứt hợp tác được diễn ra một cách thuận lợi, phù hợp với mong muốn của đôi bên.
Trong thỏa thuận hòa giải thành, doanh nghiệp Hoa Kỳ chấp nhận mua lại toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp Hàn Quốc tại nhà máy liên doanh. Giá mua được điều chỉnh dựa trên điều kiện doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ giữ lại một số khách hàng của nhà máy. Đồng thời, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng chấp nhận tiếp tục sử dụng tất cả những người lao động đang làm việc tại nhà máy – một thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, bởi việc người lao động bị cho thôi việc sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động và uy tín của doanh nghiệp.
So với thỏa thuận hòa giải, một bản án hoặc phán quyết trọng tài thường khó có thể giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn giữa các bên. Trong vụ việc này, việc sử dụng tòa án hay trọng tài có thể giúp hai bên chấm dứt quan hệ hợp tác, nhưng không thể giải quyết triệt để vấn đề sử dụng người lao động. Hơn nữa, khi sử dụng tòa án hoặc trọng tài, hai bên phải chờ đợi nhiều tháng để có được bản án hoặc phán quyết. Ngược lại, trong vụ việc này, thỏa thuận hòa giải đã được soạn thảo và ký kết ngay trong ngày diễn ra buổi hòa giải, khi kim đồng hồ vừa chỉ đến số 12.
Vai trò của hòa giải trong giải quyết tranh chấp từ các quan hệ kinh doanh
Tranh chấp là một hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong các quan hệ kinh doanh. Ngay cả trong các quan hệ có tính chất hợp tác, những rủi ro, biến động của thị trường vẫn có thể gây ra những bất đồng, xung đột về quan điểm, về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, hòa giải ngày càng nhiều chủ thể công nhận và lựa chọn. Khác với trọng tài hay tòa án, hòa giải là một thủ tục mang tính tự nguyện và linh hoạt, với nền tảng cơ bản là thiện chí của các bên. Với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên có cơ hội lắng nghe, hiểu rõ hơn về nhau, khám phá những vấn đề còn ẩn giấu, để từ đó đi đến một thỏa thuận hòa giải dựa trên sự hài lòng và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.
Tại Việt Nam, khung pháp lý về hòa giải thương mại đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, với Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, các bên trong tranh chấp thương mại có nhiều cơ chế khác nhau để lựa chọn hòa giải viên như hòa giải viên vụ việc hoặc hòa giải viên tại các tổ chức hòa giải thương mại.
VICMC là một trong những tổ chức hòa giải thương mại đầu tiên được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập. Với đội ngũ hòa giải viên đa lĩnh vực, được đào tạo chuyên sâu và cấp chứng nhận bởi các tổ chức hòa giải hàng đầu trên thế giới, VICMC cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí và hướng tới lợi ích lâu dài.
Thông qua Bộ Quy tắc hòa giải, VICMC đảm bảo quá trình hòa giải được tiến hành một cách thuận lợi, riêng tư và bảo mật, với sự hỗ trợ liên tục của hòa giải viên và thư ký trung tâm.