
Từ ngày 12 tháng 9 năm 2020, Công ước Singapore về Hòa giải sẽ chính thức có hiệu lực, tạo ra một khuôn khổ thống nhất và hiệu quả cho các thỏa thuận giải quyết quốc tế đạt được thông qua hòa giải. Nói cách khác, từ ngày 12 tháng 9 năm 2020, một thỏa thuận hòa giải thành giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Singapore được thực hiện bởi một trung tâm hòa giải tại Việt Nam sẽ có thể được công nhận và thi hành tại Singapore.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán xây dựng dự thảo, Công ước Singapore về Hòa giải (“Công ước Singapore” hay “Công ước”) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 20 tháng 12 năm 2018 tại Viên, Cộng hòa Áo. Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển hài hòa và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới bằng hòa giải, Công ước Singapore đưa ra khung pháp lý cho việc ghi nhận và thi hành các thỏa thuận hòa giải quốc tế. Sau khi có hiệu lực, Công ước Singapore sẽ tăng tính bảo đảm và hiệu quả trong vấn đề công nhận, thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải. Nói cách khác, thỏa thuận mà các bên đạt được thông qua hòa giải sẽ trở nên ràng buộc và có hiệu lực thi hành tại các quốc gia thành viên theo thủ tục đơn giản và hợp lý.[1]
53 quốc gia ký kết và 6 quốc gia thành viên

Lễ ký kết Công ước Singapore ngày 07 tháng 8 năm 2019
Ngay từ khi mở ký tại Singapore vào ngày 07 tháng 8 năm 2019, Công ước đã thu hút sự tham gia ký kết của 46 quốc gia, từ đó cho thấy tiềm năng phát triển của hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế bên cạnh tranh tụng và trọng tài. Đến nay số lượng quốc gia ký kết Công ước Singapore đã tăng lên đến 53 quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… và một số nước trong ASEAN như Brunei, Lào, Malaysia, Philippines và Singapore.[2] Sáu quốc gia đầu tiên đã phê chuẩn Công ước bao gồm: Belarus, Ecuador, Fiji, Qatar, Saudi Arabia và Singapore. Do đó, từ ngày 12 tháng 9 năm 2020, Công ước sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với sáu nước thành viên này. Trong tương lai, khi các quốc gia ký kết khác phê chuẩn Công ước này thì phạm vi ảnh hưởng của Công ước sẽ rộng hơn.
Các thỏa thuận hòa giải thành quốc tế tại Việt Nam có thể được thi hành tại Singapore
Mặc dù Việt Nam chưa tham gia Công ước này nhưng việc Công ước được triển khai ở các quốc gia là đối tác thương mại trong khu vực và trên toàn thế giới sẽ có tác động và góp phần thúc đẩy hoạt động hòa giải của Việt Nam. Lấy ví dụ, từ ngày 12 tháng 9 năm 2020, thỏa thuận hòa giải thành giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Singapore được thực hiện bởi một trung tâm hòa giải tại Việt Nam sẽ có thể được công nhận và thi hành tại Singapore.
Từ đây, các doanh nghiệp có cơ sở vững chắc hơn để tin tưởng lựa chọn hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp và thuận tiện. Đây chính là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của hòa giải thương mại quốc tế và là tiền đề cho phương thức này tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng, nâng cao vai trò trong giải quyết tranh chấp quốc tế.
Để kỷ niệm việc Công ước Singapore chính thức có hiệu lực, Bộ Tư Pháp Singapore và Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) sẽ đồng tổ chức một sự kiện trên nền tảng trực tuyến tại https://www.singaporeconvention.org/. Sự kiện này sẽ diễn ra vào lúc 12h ngày 12 tháng 9 năm 2020 (giờ Singapore), tức 11h ngày 12 tháng 9 năm 2020 theo giờ Việt Nam.
[1] Xem Nội dung của Công ước tại https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/singapore_convention_eng.pdf.
[2] https://www.singaporeconvention.org/convention/status/ truy cập ngày 10/09/2020.
Nguồn ảnh: https://www.singaporeconvention.org/
Ban Thư ký VICMC