Nếu tinh ý, có thể nhận ra hoạt động hòa giải hiện hữu xung quanh, bên cạnh cuộc sống thường nhật của chúng ta, bằng cách này hoặc cách khác, với đối tượng này hay lĩnh vực khác. Giả dụ như câu chuyện “chia cam” với khởi đầu là sự tranh giành trái cam giữa ba anh em nọ, trong đó người cha đóng vai trò như người hóa giải khúc mắc này.
Thông qua cuộc thủ thỉ, tìm hiểu riêng với với từng người con, người cha nhận ra mặc dù đối tượng mà các con hướng đến giống nhau là “trái cam” nhưng mỗi bạn lại mang quan điểm lợi ích khác nhau. Anh lớn muốn lấy hạt cam để làm thí nghiệm sinh học ở lớp; Chị hai thích hương thơm vỏ cam đặt trong phòng; Em út thèm được ăn múi cam. Cuối cùng khi người cha đã thấu hiểu giá trị mà các con muốn hướng đến, người cha có thể đưa ra cách giải quyết thuận hòa giúp cho từng người con không chỉ đạt được mục đích của mình khi muốn sở hữu trái cam mà còn ngăn chặn sự rạn nứt tình cảm, tranh cãi giữa các con – đảm bảo lợi ích có được phù hợp với mong muốn đặt ra ban đầu, dẫn đến kết thúc tranh chấp trong hòa bình. Hơn nữa, Cha – lại được tiếng thơm là người Cha rất mực công tâm!
Như vậy, Hòa giải viên cũng giống như những nhà tâm lý học ở khía cạnh, họ phải khéo léo đi sâu vào khu rừng tiềm thức của các bên, thấu hiểu vấn đề các bên đang mong muốn bởi có những điều được chia sẻ và có những điều không được trực tiếp nói ra.
Hòa giải viên tiếp tục đóng vai trò là nhà thám hiểm, họ lần theo các tình tiết để tìm hiểu căn nguyên của vấn đề trong cả hai khu rừng tâm lý của mỗi bên, để cuối cùng dẫn dắt, đưa họ gặp nhau tại con đường lớn ngăn cách giữa hai khu rừng. Như cách vẫn hay nhắc đến khi nói về Hòa giải, kéo đối đầu đi vào đối thoại, từ đối thoại đi đến thỏa thuận.
Để thực hiện hòa giải thành công, một hòa giải viên phải qua đào tạo bài bản, có kiến thức, hiểu biết chuyên môn chuyên sâu, và đặc biệt là có kỹ năng hòa giải chuyên nghiệp.
Trên tinh thần đó, VICMC đã có khóa đào tạo nội bộ về kỹ năng của Hòa giải viên vào ngày 05/10/2019 tại TP Hồ Chí Minh. Đi từ câu chuyện “chia cam” đời thường đến những tình huống tranh chấp thương mại thực tế, các thành viên của khóa đào tạo đã có cơ hội thực hành hóa thân thành các hòa giải viên trong không gian mô phỏng và các thủ tục của một phiên hòa giải thực thụ.
Khóa đào tạo tại TP Hồ Chí Minh có sự tham gia của các thành viên sáng lập viên VICMC, Ls Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch VICMC; Luật sư Vũ Thị Quế – Phó Chủ tịch VICMC; Tiến sỹ Nguyễn Bá Sơn – Phó Chủ tịch VICMC; PGS.TS Nguyễn Minh Hằng – Tổng thư ký VICMC; Luật sư Lương Văn Lý – Ủy viên Điều hành VICMC và sự đồng hành từ các Hòa giải viên VICMC; các vị khách quý.
Hòa giải – một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) đang trở thành xu hướng chung được lựa chọn để giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại trên thế giới bởi các ưu điểm về tính tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo mật thông tin hay giữ gìn một mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Qua đây, VICMC mong muốn lan rộng tinh thần và sự hiểu biết về Hòa giải đối với các chuyên gia, các vị khách của khóa đào tạo nói riêng và tới cộng đồng nói chung.
Một vài hình ảnh của cuộc tập huấn




