Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”), là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam. Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chile. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.[1]
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp (chủ thể tư) thuộc các quốc gia thành viên, CPTPP quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên “cố gắng hết mức có thể để khuyến khích và tạo thuận lợi đối với việc sử dụng trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp khác cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế giữa các bên tư nhân trong khu vực tự do hóa thương mại”.[2] Như vậy, CPTPP đã mở cho các doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế phù hợp (thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án). Lúc này, năng lực giải quyết tranh chấp của từng quốc gia sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn. So sánh năng lực giải quyết tranh chấp thương mại của Việt Nam với các quốc gia thành viên CPTPP làm cơ sở cho các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại là cần thiết.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (“BCMTKD”), chỉ số Thực thi hợp đồng là một trong số 12 chỉ số được so sánh giữa các quốc gia.[3] Chỉ số này đo lường Thời gian và Chi phí để giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương, và Chất lượng của các quy trình xét xử. Chỉ số này cũng đánh giá liệu mỗi nền kinh tế có áp dụng các thông lệ quốc tế tốt, như cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn (alternative dispute resolution – ADR), thành lập tòa án thương mại chuyên biệt nhằm thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng nhằm bảo đảm việc thực thi hợp đồng.
a. Thời gian giải quyết tranh chấp

Thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án được tính từ thời điểm nguyên đơn quyết định khởi kiện ra tòa cho đến khi hoàn thành việc thi hành. Thời gian trung bình của ba giai đoạn giải quyết tranh chấp khác nhau được đánh giá bao gồm: (i) thụ lý, (ii) xét xử và tuyên án, và (iii) thi hành án.
BCMTKD 2020 cho thấy Singapore có thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án ngắn nhất trong số các thành viên CPTPP (164 ngày). Các thành viên CPTPP khác có thời gian giải quyết tranh chấp trung bình dao động từ 200 đến hơn 500 ngày. Riêng Canada có thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án kéo dài nhất (910 ngày). Sự khác biệt này chủ yếu do giai đoạn xét xử và tuyên án kéo dài (730 ngày đối với Canada, trong khi giai đoạn này ở tòa án Singapore trung bình chỉ tốn 118 ngày).
Việt Nam có thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án là 400 ngày, trong đó giai đoạn thụ lý là 50 ngày, giai đoạn xét xử và tuyên án là 200 ngày, giai đoạn thi hành án là 150 ngày. Việt Nam đứng thứ 5 trong các thành viên CPTPP về số ngày giải quyết vụ án kể từ khi nộp đơn cho đến khi kết thúc thi hành án, xếp sau Singapore (164 ngày), New Zealand (216 ngày), Mexico (341 ngày) và Nhật Bản (360 ngày). Nếu xét riêng từng giai đoạn, trong các nền kinh tế của CPTPP, Việt Nam lần lượt đứng thứ 8 về thời gian thụ lý, thứ 4 về thời gian xét xử và tuyên án, thứ 7 về thời gian thi hành án.
Số liệu trung bình của Việt Nam cũng khá gần với Úc (402 ngày) và Malaysia (425 ngày). Tuy nhiên có thể thấy thời gian xét xử và tuyên án của hai nước này lại gấp nhiều lần so với thời gian thi hành án. Trong khi đó, hai giai đoạn này ở Việt Nam không quá cách biệt (200 ngày để xét xử, tuyên án và 150 ngày để thi hành án).
Kinh nghiệm tốt về giải quyết bảo đảm thực thi hợp đồng tại một số quốc gia là việc thiết lập các toà án hoặc thủ tục tố tụng riêng biệt cho các vụ tranh chấp có giá trị nhỏ. Phần lớn các thành viên của CTTPP đều có các thiết chế để giải quyết các tranh chấp có giá trị nhỏ (xem Bảng 1)
Bảng 1: Các quốc gia có cơ chế giải quyết các vụ án có giá trị nhỏ
STT | Quốc gia | Toà án giải quyết tranh chấp giá trị nhỏ | Hội đồng xét xử tranh chấp giá trị nhỏ | Thủ tục tố tụng rút gọn cho tranh chấp có giá trị nhỏ |
1 | Brunei[4] | X | ||
2 | Canada (Ontario) [5] | X | ||
3 | Chile | |||
4 | Malaysia[6] | X | ||
5 | Mexico | |||
6 | New Zealand[7] | X | ||
7 | Nhật Bản[8] | X | ||
8 | Peru | |||
9 | Singapore[9] | X | ||
10 | Úc[10] | X | ||
11 | Việt Nam |
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 của Việt Nam có quy định về thủ tục rút gọn nhưng không có tiêu chí áp dụng đối với giá trị của tranh chấp, như:
- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ việc và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản[11].
Tuy nhiên, dù chế định về thủ tục rút gọn đã có hiệu lực được hơn 04 (bốn) năm nhưng chế định này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, như khái niệm về “tình tiết đơn giản”, “đương sự thừa nhận nghĩa vụ” chưa được quy định rõ ràng nên dẫn đến thực trạng không thống nhất trong cách hiểu quy định pháp luật về việc áp dụng thủ tục rút gọn[12]. Ngoài ra, việc áp dụng thủ tục rút gọn chưa phải là bắt buộc áp dụng nên Tòa án lựa chọn việc áp dụng giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường để tránh việc giải quyết tranh chấp có thể bị kháng cáo, kháng nghị[13].
Một kinh nghiệm tốt về để tránh các vụ việc bị tồn đọng và trì hoãn, nhiều giải pháp cứng rắn đã được áp dụng tại hệ thống tòa án Singapore để đảm bảo rằng các giai đoạn tố tụng diễn ra theo thời hạn nghiêm ngặt đã được Tòa án thông qua từ trước, như: hạn chế tối đa việc hoãn các phiên họp và phiên tòa. Tòa án chỉ cho phép việc hoãn khi các bên có lý do chính đáng, thường là những trường hợp ngoại lệ nằm ngoài sự kiểm soát và lường trước của các bên[14]; áp dụng chế tài về kinh tế được đưa ra khi các bên không tuân thủ theo đúng quy định về tố tụng của Tòa án[15]. Nhờ vào những biện pháp quyết liệt như vậy, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Singapore được cải thiện từ 5 năm (vào năm 1991)[16] xuống còn 164 ngày (vào năm 2019)[17].
b. Chi phí giải quyết tranh chấp

Theo BCMTKD, chi phí giải quyết tranh chấp được tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị yêu cầu bồi thường. Ba loại chi phí được ghi nhận là phí luật sư, phí tòa án và phí thi hành án. Chi phí chiếm tỉ trọng lớn nhất trong BCMTKD là chi phí luật sư. Trên thực tế, chi phí luật sư liên quan mật thiết tới thời gian giải quyết vụ án. Thời gian càng dài thì chi phí luật sư càng cao[18].
Điều đáng ngạc nhiên, Canada lại là nước có chi phí giải quyết tranh chấp thấp nhất trong CPTPP (22.3% giá trị kiện) trong khi lại là quốc gia có thời gian giải quyết chấp lâu nhất. Vấn đề này chỉ có thể lý giải về quy trình xét xử của Canada tập trung vào trách nhiệm giải quyết vụ án của thẩm phán mà không gây tốn kém về thời gian và chi phí của các bên. Xếp ngay sau Canada là Úc (23.2%) và Nhật Bản (23.4%). Úc và Nhật Bản cũng là hai nước có con số chi phí thi hành khá ấn tượng (chỉ chiếm 0.2% và 0.4% giá trị kiện). Việt Nam có chi phí giải quyết tranh chấp là 29% giá trị vụ kiện, đứng thứ 7 trong các nước CPTPP. Phí luật sư và phí tòa án của Việt Nam tương đương với nhiều nước khác, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 8 trong CPTPP.
(Còn tiếp)
*Tác giả bài viết:
Chủ tịch Trung tâm hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC)
Nguyễn Trần Lan Hương
Thành viên Ban Thư ký Chủ tịch Trung tâm hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC)
[1] Bộ Công Thương, Tổng quan, http://cptpp.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=9040e56c-c3f5-4592-9fe7-baa47f75a7c0 truy cập ngày 30/06/2021.
[2] Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Điều 28.23.
[3] The World Bank Group, Doing Business 2020, 2019. Đây là Báo cáo thường niên do Ngân hàng Thế giới thực hiện thông qua điều tra, khảo sát các quy định dẫn tới thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh. BCMTKD 2020 được công bố vào ngày 24 tháng 10 năm 2019 trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đối với 12 lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh doanh ở 190 nền kinh tế.
[4] The Small Claims Tribunals-Subordinate Court, Small Claims Tribunal – General Information, http://judiciary.gov.bn/SJD%20Images/Small%20Claims%20Tribunal%20-%20Complete.pdf truy cập ngày 02/07/2021.
[5] Superior Court of Justice, https://www.attorneygeneral.jus.gov.on.ca/english/courts/scc/ truy cập ngày 02/07/2021; Ministry of the Attorney General, https://www.attorneygeneral.jus.gov.on.ca/english/courts/scc/ truy cập ngày 02/07/2021.
[6] Official Portal of the High Court in Sabah&Sarawak, General Information, https://judiciary.kehakiman.gov.my/portals/media/attachments/Self-Representative/Small%20Claim.pdf truy cập ngày 02/07/2021; Farihana Abdul Razak, Nor Hidayati Abdullah, Amylia Fuziana Azmi, Nor Laila Ahmad, Afidah Osoman, Breach of Contract: Filing Small Claims at the Magistrate Court in Malaysia, https://hrmars.com/papers_submitted/6675/Breach_of_Contract_Filing_Small_Claims_at_the_Magistrate_Court_in_Malaysia2.pdf truy cập ngày 02/07/2021.
[7] Ministry of Justice, Dispute Tribunal, https://www.justice.govt.nz/assets/Documents/Publications/MOJ0058-Disputes-Tribunal-booklet-WEB.pdf truy cập ngày 02/07/2021.
[8] Masayuki Yoshida, Japanese Small Claims Procedures: How Does It Work?, Murdoch University Electronic Journal of Law, http://www5.austlii.edu.au/au/journals/MurUEJL/2004/15.html truy cập ngày 02/07/2021.
[9] State Courts Singapore, About the Small Claims Tribunals, https://www.statecourts.gov.sg/cws/SmallClaims/Pages/GeneralInformation.aspx truy cập ngày 02/07/2021.
[10] Australia Competition & Consumer Comission, Small Claims Tribunal, https://www.accc.gov.au/contact-us/other-helpful-agencies/small-claims-tribunals truy cập ngày 02/07/2021.
[11] Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 317.
[12] Phạm Thị Hồng Đào, Thủ tục rút gọn theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, truy cập đường link http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1986.
[13] Mai Thoa, Đề xuất cơ chế, mô hình giải quyết vụ, việc dân sự theo thủ tục rút gọn, truy cập đường link https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/de-xuat-co-che-mo-hinh-giai-quyet-vu-viec-dan-su-theo-thu-tuc-rut-gon-105338.html.
[14] Singapore Sate Courts, Practice Direction.
[15] Singapore Rules of Court, Điều 59, khoản 5(1)(b) và 5(1)(d), https://sso.agc.gov.sg/SL/SCJA1969-R5#PO59-P4_3-pr5-; Singapore State Courts, Practice Directions, Mục 144(8).
[16] Waleed Haider Malik (2007), Judiciary-Led Reforms in Singapore, Ngân hàng Thế giới, trang 16.
[17] Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Môi trường kinh doanh, Singapore 2019, https://www.doingbusiness.org/en/data/exploreeconomies/singapore#DB_ec.
[18] Nguyễn Hưng Quang, Chương 9: Bảo đảm thực thi hợp đồng, trong Báo cáo Chuẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tr. 229-230, Ban Kinh tế trung ương – Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ, 2017.
Ban Thư ký