Hội thảo góp ý các Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại bằng hòa giải đang trở thành một xu hướng trên thế giới và Việt Nam bởi những ưu điểm của phương thức này về thời gian, chi phí, khả năng duy trì mối quan hệ giữa các bên và mức độ bảo mật thông tin. Tại Việt Nam, số liệu thống kê khảo sát của Bộ Tư Pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên sử dụng lần lượt là thương lượng (57,8%), Toà án (46,8%), hoà giải (22,8%) và cuối cùng là trọng tài (16,9%). Để hoàn thiện hơn trong việc thi hành luật hòa giải, đối thoại tòa án, hội thảo góp ý các dự thảo quy định chi tiết thi hành luật hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ được tổ chức vào sáng 12/06 vừa qua.

Với mong muốn Dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đi vào cuộc sống, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ được tính chính danh, liêm chính của Toà án, cũng như hài hoà với các quy định pháp luật khác, Chủ tịch VICMC – Luật sư Nguyễn Hưng Quang sẽ đại diện VICMC tham dự hội thảo với những góp ý về quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hòa giải viên (Điều 10, 11 và 12 Luật), trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 18 Luật) cụ thể như sau:

1. Điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại hoà giải viên (Điều 10, 11, và 12 của Luật)

a. Điều kiện bổ nhiệm (Điều 10)

Theo quy định tại Điều 10, các đối tượng có thể được bổ nhiệm được phân loại thành 3 nhóm như sau:

  • Thẩm phán – Nhóm có kinh nghiệm xét xử (bao gồm vấn đề pháp lý và giải quyết tranh chấp) và kiến thức pháp luật tốt.
  • Kiểm sát viên, Thẩm tra viên, Thư ký toà án, Chấp hành viên, Thanh tra viên – Nhóm có kinh nghiệm giải quyết vấn đề pháp lý, tranh chấp, vấn đề quản lý nhà nước và kiến thức pháp luật tốt.
  • Luật sư – Nhóm có kinh nghiệm giải quyết vấn đề pháp lý, tranh chấp và kiến thức pháp luật tốt.
  • Chuyên gia, nhà chuyên môn khác nhà có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư – Nhóm có thể kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, có kiến thức trong lĩnh vực khác và không có kiến thức pháp luật tốt.

Việc phân loại đối tượng sẽ giúp cho xây dựng các điều kiện cụ thể để có thể lựa chọn được những người phù hợp tham gia vào công tác hoà giải tại Toà án. Mỗi nhóm đối tượng có những thế mạnh đặc thù trong việc thực hiện hoà giải. Tuy nhiên, việc mở rộng nhiều nhóm đối tượng làm công tác hoà giải sẽ gặp phải những thách thức sau cho ngành Toà án:

  • Khả năng hiểu biết pháp luật ở mức độ tối thiểu để bảo đảm quá trình thực hiện hoà giải, nội dung hoà giải và văn bản thoả thuận hoà giải không bị vi phạm vào điều cấm của luật, xâm phạm lợi ích của bên thứ ba…
  • Khả năng hiểu biết tính chuyên nghiệp, tính vô tư, khách quan và độc lập của hoà giải viên
  • Khả năng quản lý và xử lý trách nhiệm đối với những đối tượng khác nhau;
  • Khả năng đào tạo, tập huấn kỹ năng hoà giải.

Xét bối cảnh việc tuyển chọn hoà giải viên trên khắp cả nước với những đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng khác như trên, Toà án phải tính đến việc tuyển chọn mở rộng để bất kỳ người nào thuộc các nhóm đối tượng nêu cũng “có thể” trở thành hoà giải viên tại Toà án thay vì phương án Toà án mỗi cấp lập danh sách hoà giải viên của Toà án mình. Cơ chế mở này giống với cơ chế công nhận quản tài viên của Luật Phá sản 2014.

Tuy nhiên, để những đối tượng nêu trên trở thành hoà giải viên thì những điều kiện sau cần quy định rõ ràng:

  • “Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại”: điều kiện này yêu cầu ứng viên phải có giấy xác nhận của một đơn vị, tổ chức có chức năng hoặc thẩm quyền về giải quyết tranh chấp bằng hoà giải xác nhận, như uỷ ban nhân dân cấp xã đối với hoà giải cơ sở, trung tâm hoà giải thương mại hoặc trung tâm trọng tài thương mại đối với hoà giải thương mại, Sở Lao động đối với hoà giải lao động, Toà án đối với các hoà giải viên trong dự án thí điểm…
  • “Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp”: điều kiện này yêu cầu ứng viên phải tham gia một khoá học bắt buộc và phải thi đạt yêu cầu của chương trình học. Chương trình học về hoà giải cần phải lưu ý tới đặc điểm mỗi nhóm đối tượng nêu trên để bảo đảm các hoà giải viên đạt yêu cầu có được năng lực cần thiết cho công tác hoà giải.

Phương án mở rộng đối tượng tuyển chọn làm hoà giải viên có khả năng bảo đảm tuyển chọn được đủ số lượng, hạn chế được các yếu tố ảnh hưởng tới tính liêm chính trong quá trình tuyển chọn.

b. Bổ nhiệm (Điều 11):

Theo quy định tại Dự thảo Luật, Hoà giải viên sẽ được Toà án bổ nhiệm (Điều 11) và được cấp thẻ hoà giải viên (Điều 7). Với những quy định như vậy, có thể hiểu Tòa án chịu trách nhiệm đối với toàn bộ mọi hoạt động, hành vi của Hoà giải viên. TANDTC cần xác định rõ đây là (i) quan hệ sử dụng lao động theo Bộ luật Lao động; hoặc (ii) quan hệ hợp đồng dịch vụ theo quy định Bộ luật Dân sự. Sự xác định rõ mối quan hệ pháp luật này vì liên quan đến:

  • Các chế độ về tiền công, tiền lương, thù lao, bảo hiểm bắt buộc… theo các quy định pháp luật tương ứng;
  • Phạm vi chịu trách nhiệm của Toà án đối với các hành vi do Hoà giải viên xác lập trong quá trình thực hiện hoà giải, đối thoại; và
  • Cơ chế bảo đảm uy tín và sự liêm chính khi các Hoà giải viên thực hiện các công việc hoà giải theo các “phương thức linh hoạt” (Điều 3) mà không phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng.

Như đã nêu ở trên, để có thể hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra  cho ngành Toà án, TANDTC nên xây dựng cơ chế “bổ nhiệm” theo hướng đơn giản hoá mọi thủ tục bổ nhiệm, tương tự với cơ chế đăng ký của quản tài viên.

Đồng thời, để tránh phải chịu những trách nhiệm phát sinh từ hoạt động của hoà giải viên trong những thời gian không thực hiện công tác hoà giải tại Toà án, TANDTC nên quy định rõ ràng về cấp, sử dụng, thu hồi thẻ Hòa giải viên theo hướng “thẻ Hoà giải viên được chỉ được sử dụng trong những phiên hoà giải tại Toà án. Thẻ không được phép sao chụp hoặc sử dụng bên ngoài hoạt động hoà giải tại Toà án”. Nếu không quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ, rủi ro về lạm dụng “thẻ ngành” gây ảnh hưởng tới uy tín của Toà án.

c. Bổ nhiệm lại (Điều 12):

Cơ chế bổ nhiệm lại tại Dự thảo Luật khá phức tạp đối với những người đang là hoà giải viên tại Toà án và hoàn thành tốt công tác hoà giải. Ngoài ra, cơ chế bổ nhiệm lại cũng cần phải được làm rõ thêm một số vấn đề sau:

  • Tiêu chí xác định “không hoàn thành nhiệm vụ”, như: hoà giải không thành, từ chối hoà giải khi được phân công, không có bất kỳ một vụ hoà giải nào… Tiêu chí này cần phải gắn với quy trình phân công hoà giải của Toà án, như phân công theo năng lực hay phân công theo ngẫu nhiên…
  • Tiêu chí “Thuộc 10% Hòa giải viên mà trong 02 năm Hòa giải viên đó có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất so với các Hòa giải viên khác tại nơi họ làm việc, cần được thay thế” cũng cần được làm rõ thế nào là “thấp nhấp”.
  • Cần xây dựng mẫu “Báo cáo về quá trình thực hiện công tác hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên” để hạn chế tình trạng vi phạm nghĩa vụ của hoà giải viên về bảo mật thông tin hoà giải theo quy định tại Điều 14.
  • Cần xây dựng mẫu “Nhận xét, đánh giá của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại” để hạn chế khả năng tạo áp lực của Toà án đối với hoà giải viên, ảnh hưởng tới tính vô tư, khánh quan, độc lập của hoà giải viên.

2.Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 18)

a. Cơ chế chấp thuận hoà giải viên không thuộc danh sách tại Toà án nơi làm việc (Khoản 7).

Dự thảo quy định “Văn bản chỉ định Hòa giải viên được gửi cho Hòa giải viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Trong trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn làm việc ở Tòa án khác thì văn bản này cũng phải được gửi cho Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc (Điều 18 Khoản 7)

Cơ chế lựa chọn Hoà giải viên không thuộc danh sách Hoà giải viên của Toà án giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 15 Khoản 2 đã chỉ rõ: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên của các bên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hay không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và các bên.”

Như vậy, việc yêu cầu Toà án nơi giải quyết tranh chấp phải gửi thêm “văn bản chỉ định Hòa giải viên cũng phải được gửi cho Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc” sẽ làm phát sinh thêm chi phí và thủ tục hành chính (như chi phí soạn văn thư, chi phí gửi văn thư, chi phí lưu trữ văn thư) cho Toà án chỉ định Hoà giải viên và cho cả “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc”. Ngoài ra, quy định “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự chọn của Hoà giải viên gửi Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hoà giải viên” (Điều 15 khoản 3.b và khoản 4.b) cũng làm gia tăng các chi phí về hành chính và “hành chính hoá” hoạt động lựa chọn hoà giải viên. Ngoài ra, dù Dự thảo đã quy định thời gian mà “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc” phải trả lời “trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hoà giải viên” thì cũng là một khoảng thời gian chưa thực sự được xác định rõ ràng vì khoảng thời gian di chuyển của “thông báo” không được xác định. Mặc dù, “thông báo” này chỉ là di chuyển trong nội bộ giữa các “Toà án cấp huyện trong phạm vi lãnh thổ của Toà án cấp tỉnh”.

Do đó, đề xuất nên quy định một thủ tục hành chính đơn giản nhất với thời hạn rất rõ ràng để thuận tiện cho đương sự, hoà giải viên và Toà án. 

b. Bảo đảm quyền lựa chọn hoà giải của người bị kiện.

Dự thảo quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án theo quy định tại khoản 7 Điều này, nếu người bị kiện không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại thì phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết để Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng.” (Khoản 8)

Quy định nêu trên có thể gặp khó khăn trong quá trình thực hiện khi người bị kiện “không trả lời” là có chấp nhận phương án hoà giải hay không? Phương án “không trả lời” cần phải được xác định rõ một trong hai tình huống: (i) không đồng ý hoặc (ii) đồng ý. Một số vấn đề sau cần cân nhắc:

  • Nếu xác định là “không đồng ý” thì có thể mâu thuẫn với quy định của Luật “không đồng ý tiến hành hoà giải, đối thoại thì phải thông báo bằng văn bản”;
  • Nếu xác định là “đồng ý” thì có thể ảnh hưởng tới quyền lựa chọn phương án hoà giải của đương sự. Đối với những tranh chấp mà đương sự sống tại những nơi khó khăn trong việc gửi văn bản thì khoảng thời gian 3 ngày phải có văn bản trả lời sẽ là tương đối ngắn.

Để xử lý tạm thời những vấn đề nêu trên, tình huống 2 có thể chấp nhận theo hướng nếu hoà giải viên và Toà án vẫn tiến hành hoà giải dù bên bị kiện chưa có ý kiến. Nếu bên bị kiện vắng mặt đến lần thứ 2 thì xử lý theo quy định tại Điều 19. Còn nếu bên bị kiện tới hoà giải và chấp nhận hoà giải thì tiến hành hoà giải. Tuy nhiên, Toà án cần có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của Thẩm phán, hoà giải viên trong việc giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoà giải theo Luật này (Điều 8). Khác với hoà giải thương mại, các bên tham gia hoà giải tại toà án sẽ có nhiều người không có khả năng nhận biết những ưu điểm và nhược điểm của phương thức hoà giải với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng (như người thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa…).  Do đó, cần thiết phải xây dựng được một quy trình hoà giải rõ ràng để bảo đảm quyền lợi của họ.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch VICMC

Các bài viết trước

TẬP QUÁN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế đang là xu hướng của các nước trên thế giới, do vậy việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, các chủ thể là các bên đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng ký kết một hợp đồng, điều này khiến cho sự khác biệt trong cách áp dụng pháp luật điều chỉnh cũng như khác biệt trong cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vậy trong những trường hợp đó, doanh nghiệp cần lưu ý gì khi bước ra thị trường thế giới?

TRÁNH RỦI RO KHI THIẾT LẬP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, hợp đồng điện tử được thực hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung và cách thức thực hiện. Cũng chính vì vậy, các rủi ro tiềm ẩn về mặt kỹ thuật, về mặt pháp lý mà cũng ngày càng nhiều. Để phòng tranh các rủi ro này một cách hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử.

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

TỔNG KẾT HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI, TẬP HUẤN “NHẬN DIỆN, PHÒNG NGỪA RỦI RO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HIỆU QUẢ BẰNG HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI: MỘT SỐ LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA” THÁNG 11/2023

Hội nghị đối thoại, tập huấn “Nhận diện, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng hoà giải thương mại: Một số lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra vào ngày 24/11/2023 đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, chuyên viên pháp lý, luật sư và các giảng viên, sinh viên.

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023 phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) với chủ đề “Đầu tư xây dựng, Quản lý vận hành các nhà máy điện và giải quyết tranh chấp hợp đồng, các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện” đã nhận được sự tham gia trực tiếp kết hợp trực tuyến của chuyên gia cao cấp và đội ngũ nhân viên của Bitexco Power.

TỔNG KẾT HỘI THẢO HOÀ GIẢI TẠI PHÁP, CHÂU ÂU VÀ TẠI VIỆT NAM; VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG HOÀ GIẢI THÁNG 07/2023

Hội thảo Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải được tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các luật sư, hoà giải viên, giảng viên đầy kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hội thảo cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như thách thức đối với hoà giải tại Việt Nam.

Workshop “Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải” tháng 07/2023

Hoà giải đang dần thay đổi vai trò giải quyết tranh chấp “thay thế” để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các luật sư cũng như doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng. Workshop sẽ giúp hiểu thêm về hoà giải tại Pháp, tại Châu Âu và tại Việt Nam; cũng như biết thêm về vai trò của luật sư trong hòa giải

LƯU Ý KHI NHƯỢNG QUYỀN RA NƯỚC NGOÀI

Kể từ sau đại dịch COVID-19, với sự vươn lên mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa thương hiệu của mình ra thế giới. Với lợi thế về ẩm thực truyền thống và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là xu thế đã và đang tạo ra sự sôi động trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và hạn chế rủi ro khi áp dụng mô hình này. 

LƯU Ý GÌ KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ?

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến. Hợp đồng thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng này ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung, cách thức thực hiện khiến cho các giao dịch thương mại phát triển, mở rộng và tự do hơn. Bên cạnh sự thuận lợi đem lại, hình thức giao dịch bằng hợp đồng thương mại điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà các chủ thể thực hiện không lường trước được và cũng như thiếu căn cứ pháp lý để được bảo đảm. 

Trao đổi trong Chương trình Kinh doanh và Pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Khi gia nhập thi trường, doanh nghiệp thiếu thông tin liên quan đến các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động sẽ gây ra nhiều bất lợi không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Do vậy, việc biết được các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. 

Viết một bình luận