Câu chuyện về cây gậy và củ cà rốt trong giải quyết tranh chấp
Học thuyết “cây gậy và củ cà rốt” xuất phát từ câu chuyện về những người chăn lừa cầm một cây gậy treo lủng lẳng củ cà rốt và đưa trước mũi chúng. Chú lừa nghe lời sẽ được thưởng củ cà rốt, ngược lại, nếu không lời, chúng sẽ bị phạt bằng cây gậy. “Củ cà rốt” tượng trưng cho những lợi ích sẽ nhận được khi thực hiện một hành động cụ thể, còn “cây gậy” chính là những hậu quả tiêu cực phải gánh chịu khi không thực hiện hành động đó.

Trong giải quyết tranh chấp, việc lựa chọn hòa giải đem lại những lợi ích tương đối rõ ràng. Thay vì tiêu tốn hàng tháng, thậm chí đến hàng năm để giải quyết tranh chấp thông qua tòa án hay trọng tài, quy trình hòa giải thường diễn ra chỉ trong khoảng một ngày, với sự nỗ lực cao nhất của hòa giải viên để hoàn tất việc giải quyết tranh chấp trong khoảng thời gian đó. Bên cạnh đó, chi phí khi lựa chọn hòa giải cũng thường thấp hơn so với chi phí khi lựa chọn trọng tài hoặc tòa án.
Trong quan hệ thương mại, đằng sau “củ cà rốt” hòa giải chính là “cây gậy” tòa án, với những hậu quả sâu sắc hơn cả sự tổn thất về thời gian và chi phí. Việc khởi kiện có thể hủy hoại mối quan hệ giữa các bên và ngay cả khi phán quyết của tòa án giúp các bên khắc phục một phần thiệt hại, quan hệ giữa các bên cũng khó có thể duy trì do các vấn đề xung đột cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Nguy cơ bị công khai các thông tin được tiết lộ trong phiên tòa cũng khiến các bên phải cẩn trọng khi lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp.
Hòa giải cho phép các bên đối thoại trực tiếp về những bất đồng và tạo điều kiện để họ hiểu thêm về đối phương, từ đó duy trì, thậm chí thúc đẩy quan hệ giữa các bên. Đồng thời, nguyên tắc bảo mật chặt chẽ đảm bảo tất cả các thông tin được tiết lộ trong quá trình hòa giải sẽ được giữ kín, không gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các bên.
Tính đa dạng và sáng tạo của hòa giải
Khi lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp, các bên chỉ có một số công cụ pháp lý nhất định để thực hiện quyền của mình, trong đó chủ yếu là yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngược lại, với hòa giải, không có bất cứ giới hạn nào đối với giải pháp mà các bên có thể thỏa thuận. Các bên có thể thỏa thuận và thống nhất bất cứ điều khoản hòa giải nào phù hợp với hoàn cảnh, mục đích của mình.
Hòa giải viên sẽ giúp các bên hiểu được mục đích và động lực thực sự của mình, vượt qua những khác biệt để đi đến những thỏa thuận đáp ứng nhu cầu của từng bên và có thể được chấp thuận bởi tất cả các bên.
“Cây gậy và củ cà rốt” – Hòa giải có luôn luôn là giải pháp tối ưu?
Tương tự như học thuyết “cây gậy và củ cà rốt”, mặc dù hòa giải có thể đem lại nhiều lợi ích cho các bên trong tranh chấp, hòa giải có thể không phải là giải pháp tối ưu trong một số trường hợp. Đôi lúc, đàm phán truyền thống có thể hiệu quả hơn về mặt chi phí hoặc đôi lúc, các bên trong tranh chấp có những lý do riêng để từ chối tiến hành hòa giải.
Thời điểm đưa ra đề nghị hòa giải có một vai trò quan trọng quyết định sự thành công của hòa giải. Thông thường, thỏa thuận hòa giải sẽ dễ dàng đạt được khi các bên đánh giá được khả năng thỏa hiệp của nhau, nhận thức được rõ những lợi ích có thể đạt được thông qua thỏa thuận hòa giải và những nguy cơ tổn thất khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Tham khảo từ:
James Jerman, Louise Kelso, Making Peace: Mediation as an essential tool for modern commercial dispute resolution, https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=1401533c-2dee-4247-b0e8-8cd3d486e6ea
VICMC, Tri thức, http://www.vicmc.vn/knowledge.html
Xem các bài viết khác tại: https://vicmc.vn/tri-thuc/
Ban Thư ký VICMC