Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam – EVFTA nhận được 401 phiếu thuận, đạt tỉ lệ 63,33% (192 phiếu chống và 40 phiếu trắng). Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được thông qua với tỉ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Trong tiến trình phê chuẩn 2 Hiệp định này, về thủ tục nội bộ của EU, sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua, EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực.
Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực. EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán. Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: Dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.Ủy ban châu Âu ước tính, khi 2 hiệp định này được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hàng năm của Liên minh châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.
Từ “con đường cao tốc” nối liền Việt Nam tới các nước Châu Âu mang tên EVFTA, đây là cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Châu Âu. Theo đó, trong Hiêp định bảo hộ đầu tư EVIPA có những quy định tương đối chi tiết về cơ chế hòa giải, điều đó chứng tỏ rằng, cơ chế hòa giải thương mại trong các tranh chấp đầu tư đang là cơ chế được các đối tác Châu Âu rất quan tâm.
Nguồn: Thông tin Chính phủ