Trên thực tế, có nhiều phương pháp hòa giải khác nhau:
Phương pháp hoà giải thúc đẩy (Facilitative):
Là phương pháp hoà giải mà theo đó hoà giải viên đóng vai trò khuyến khích các bên trao đổi với nhau, truyền đạt những thông điệp mà một bên muốn trao đổi với bên kia, giúp mỗi bên tự hiểu về vị thế hiện tại trong tranh chấp, khuyến khích các bên tự đưa ra phương án giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhanh gọn.
Phương pháp hoà giải đánh giá (Evaluative):
Là phương pháp hoà giải theo đó, hoà giải viên sẽ đưa ra quan điểm đánh giá của mình về vị thế mạnh hay yếu của từng bên trong tranh chấp. Hoà giải viên cũng đưa ra lời khuyên cho từng bên về phương án hoà giải của họ để các bên có thể tự lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp tối ưu.
Phương pháp hoà giải hướng dẫn (Directive):
Là phương pháp hoà giải mà trong đó hoà giải viên đóng vai trò người thúc đẩy tương tự như phương pháp hoà giải thúc đẩy nhưng đồng thời hoà giải viên cũng thuyết phục các bên để lựa chọn ra phương án giải quyết hợp tình hợp lý nhất cho các bên.

Hòa giải viên lựa chọn và áp dụng các phương pháp này như thế nào?
Sau khi xem xét tính chất tranh chấp, mối quan hệ giữa hai bên, vị thế của hai bên và các yếu tố khác có liên quan, HGV sẽ lựa chọn một/một số phương pháp hòa giải mà HGV thấy thích hợp để đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp. Việc áp dụng các phương pháp hòa giải là linh hoạt và có thể được thay đổi theo từng giai đoạn của quy trình hòa giải. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của quy trình hòa giải, HGV áp dụng phương pháp hòa giải thúc đẩy để khuyến khích các bên tự đưa ra các giải pháp mà các bên cho là phù hợp. Đến giai đoạn cuối của quy trình hòa giải, HGV có thể áp dụng phương pháp hòa giải đánh giá và/hoặc hướng dẫn, đưa ra một số quan điểm, lời khuyên của mình nhằm hướng các bên đến một giải pháp hợp tình hợp lý nhất./.
Xem các bài viết khác tại: https://vicmc.vn/tri-thuc/
Ban Thư ký VICMC