Hoà giải bảo đảm tính bí mật của vụ việc như thế nào?

Bảo đảm bí mật về vụ việc được coi là ưu điểm lớn nhất của phương thức hoà giải so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Tính bảo mật trong hoà giải bao gồm hai khía cạnh: (i) cơ chế hoà giải phải bảo đảm bí mật thông tin vụ việc với bên thứ ba; (ii) hoà giải viên phải bảo đảm bí mật về quan điểm xử lý tranh chấp của mỗi bên mà không được tiết lộ cho bên kia. Trên cơ sở hai khía cạnh này, thông tin mà các bên cung cấp trong quá trình hoà giải không được sử dụng làm chứng cứ tại các thủ tục giải quyết tranh chấp khác.

Trong tố tụng trọng tài và toà án, mỗi bên tranh chấp thường phải chấp nhận tiết lộ thông tin và tài liệu của vụ việc cho bên thứ ba (hội đồng xét xử, hội đồng trọng tài hoặc giám định viên…) để bảo vệ quyền lợi của mình. Thông tin và tài liệu phải được gửi tới Toà án hoặc hội đồng trọng tài và tới bên tranh chấp còn lại[1]. Cho dù nguyên tắc của tố tụng trọng tài là không công khai[2] và tố tụng toà án có thể được xét xử kín trong trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh[3] nhưng thông tin của vụ việc vẫn phải tiết lộ cho nhiều người. Thủ tục hoà giải thường chỉ diễn ra với một hoà giải viên nên thông tin không bị phát tán ra nhiều người. Hoà giải viên bị ràng buộc với trung tâm hoà giải về việc phải giữ kín thông tin mà mình biết được trong quá trình hoà giải.

Trong quá trình hoà giải, hoà giải viên chuyên nghiệp có trách nhiệm không được tiết lộ thông tin của một bên mà mình có được để cung cấp cho bên kia dù là vô tình hay hữu ý. Việc bảo đảm không tiết lộ thông tin sẽ khuyến khích được các bên “trải lòng” với hoà giải viên những vấn đề mà bên đó muốn được giải quyết, hoà giải với bên kia.

[1] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 12; Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015), Điều 70, khoản 9, Điều 96

[2] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 4, khoản 4

[3] BLTTDS 2015, Điều 15, khoản 2, Điều 267.

(c) VICMC 2019

Các bài viết trước

Viết một bình luận