Một số góp ý dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án

Các chuyên gia tham dự Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp dân sự (bao gồm tranh chấp kinh doanh thương mại) bằng hoà giải đang trở thành một xu thế trên thế giới và cũng là một chỉ số đo lường mức độ phát triển của một nền kinh tế[1]. Ở Việt Nam, hoà giải được ghi nhận trong lịch sử giải quyết tranh chấp và được quy định tại một số văn bản pháp luật, như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hoà giải cơ sở, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại…[2]

Chủ tịch VICMC có bài phát biểu tại phiên họp lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án

Chủ trương xây dựng và ban hành một luật riêng về hoà giải, đối thoại tại Toà án là đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh hiện tại.[3] Với mong muốn Dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án (“Dự thảo”) đi vào cuộc sống, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ được tính chính danh, liêm chính của Toà án, cũng như hài hoà với các quy định pháp luật khác, các Hoà giải viên của Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) xin có một số góp ý đối với Dự thảo như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Dự thảo có quy định:“Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định” (Điều 1 Khoản 1).

Quy định trên được coi là một trong những “nguyên tắc” của Dự thảo  và “xuyên suốt” toàn bộ quy định của Dự thảo để các quy định tiếp theo trong Dự thảo phải phù hợp với nguyên tắc này. Đề xuất những quy định dưới đây cần phải được sửa đổi cho phù hợp với nguyên tắc này:

  • Thời gian hòa giải tại các hoạt động hoà giải ngoài Toà án do các quy định pháp luật khác điều chỉnh thì cũng “không tính” vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính tương tự như hoạt động hòa giải tại Tòa án. Ngược lại, để thúc đẩy việc hoà giải, đối thoại trước tố tụng diễn ra nhanh chóng thì hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án cũng “tính” vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính. Nếu tồn tại sự khác biệt này, có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động hoà giải tại Toà án (cũng là hoạt động hoà giải ngoài tố tụng như các hình thức hoà giải do luật khác quy định) [4] được ưu ái và có lợi hơn so với cơ chế hoà giải ngoài Toà án hay ngoài tố tụng và không bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định pháp luật.
  • Dự thảo nên cho phép các bên tranh chấp lựa chọn Hoà giải viên thuộc các trung tâm hoà giải ngoài Toà án hoặc Hoà giải viên do các quy định pháp luật khác quy định và công nhận để thực hiện việc hoà giải theo trình tự, thủ tục của Luật này. Cơ chế “pha trộn” này[5] sẽ giúp cho các bên có thể lựa chọn được Hoà giải viên mà các bên tin tưởng và như vậy giúp cho tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, triệt để và bảo đảm được nguyên tắc “không loại trừ” như đã nêu.

2. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại (Điều 3)

Dự thảo quy định: “Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc yêu cầu Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình” (Điều 3 Khoản 8).

Hoà giải, đối thoại tại Toà án ở Việt Nam cần cân nhắc việc linh hoạt sử dụng ngôn ngữ hoà giải để các đương sự có thể chủ động và thoải mái trong việc trình bày quan điểm với hoà giải viên mà không phải qua phiên dịch, đặc biệt là người dân tộc ít người. Việc chấp thuận giải quyết tranh chấp không phải là ngôn ngữ tiếng Việt của hoạt động hoà giải ngoài tố tụng sẽ giúp cho hệ thống giải quyết tranh chấp của Toà án được “gần dân, giúp dân” hơn mà không bị ảnh hưởng bởi yêu cầu đúng thủ tục tố tụng của pháp luật tố tụng.  Hệ thống Toà án Việt Nam đã và đang bổ nhiệm một số thẩm phán là người dân tộc ít người để có thể sử dụng tiếng nói bản địa và hiểu văn hoá bản địa trong xét xử tại những vùng dân tộc ít người và cũng nên tiếp tục duy trì tư tưởng, thực tiễn tốt đẹp này. Việc cho phép các bên hoà giải cùng với hoà giải viên sử dụng ngôn ngữ linh hoạt sẽ:

  • Tăng thêm khả năng tiếp cận công lý cho người dân, đặc biệt người dân tộc ít người vào hoạt động giải quyết tranh chấp của Toà án;
  • Bảo đảm được nguyên tắc “linh hoạt” về phương thức hoà giải, đối thoại[6]
  • Hạn chế được kinh phí cho các bên tranh chấp và cho Nhà nước. Lưu ý là kinh phí thuê phiên dịch tiếng dân tộc chưa được quy định xác định rõ trách nhiệm thuộc một hoặc các bên tranh chấp hay Nhà nước phải gánh chịu trong Dự thảo.
  • Phù hợp với nguyên tắc về ngôn ngữ hoà giải đối với người khuyết tật (cũng tại Điều 3 Khoản 8).

Lưu ý thêm rằng việc cho phép hoạt động hoà giải có nhiều ngôn ngữ không ảnh hưởng đến ngôn ngữ chính thức trong hoạt động tố tụng Việt Nam là tiếng Việt trong trường hợp thoả thuận hoà giải, đối thoại thành cần phải được Toà án công nhận. Dự thảo có thể quy định thoả thuận hoà giải thành thì phải được lập bằng tiếng Việt.

Do đó, đề xuất sửa đổi Dự thảo Điều 3 Khoản 8 theo hướng chấp nhận cho phép các ngôn ngữ của dân tộc ít người hoặc người nước ngoài trong quá trình hòa giải, đối thoại và Thoả thuận hoà giải thành chỉ lập bằng tiếng Việt cho phù hợp với ngôn ngữ được quy định của các luật tố tụng Việt Nam.

3. Bảo mật thông tin (Điều 4)

Dự thảo quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp: (a)(b) phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật” (Điều 4 Khoản 3).

Nguyên tắc bảo mật của Dự thảo cần phải lưu ý 2 vấn đề sau:

Thứ nhất, yêu cầu bảo mật đối với hoà giải vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại…

Bảo mật thông tin về vụ việc được coi là ưu điểm lớn của phương thức hoà giải các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Tính bảo mật trong hoà giải bao gồm hai khía cạnh: (i) cơ chế hoà giải phải bảo đảm bí mật thông tin vụ việc với bên thứ ba; (ii) hoà giải viên phải bảo đảm bí mật về quan điểm xử lý tranh chấp của mỗi bên mà không được tiết lộ cho bên kia. Trên cơ sở hai khía cạnh này, thông tin mà các bên cung cấp trong quá trình hoà giải không được sử dụng làm chứng cứ tại các thủ tục giải quyết tranh chấp khác. Điều 4 Khoản 3 có khả năng bị coi là trái với nguyên tắc bảo mật thông tin quy định nêu tại Dự thảo Điều 8 Khoản 1 điểm e và Điều 14 Khoản 3 điểm c.[7] Trong trường hợp những thông tin mà các bên cung cấp nằm thuộc phạm vi thông tin theo quy định tại Bộ luật hình sự thì mới có thể “phải cung cấp theo quy định của pháp luật hình sự”.

Thứ hai, yêu cầu phải công khai, dân chủ trong đối thoại hành

Khác với hoà giải tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại, đối thoại trong vụ án hành chính đòi hỏi phải “công khai, dân chủ” (Điều 134 Luật Tố tụng hành chính). Như vậy, đối thoại hành chính lại khó có thể áp dụng nguyên tắc bảo mật thông tin vì có thể tạo ra cơ hội cho xâm phạm trật tự công, tác động tới các yêu cầu về minh bạch và trách nhiệm giải trình cho các hoạt động hành chính công. Để bảo đảm được hài hoà các nguyên tắc này thì đòi hỏi trình tự, phương pháp đối thoại hành chính phải khác với trình tự, phương pháp hoà giải.

Do đó, đề nghị yêu cầu bảo mật thông tin được quy định Điều 4 và các quy định khác của Dự thảo cần được quy định rõ ràng và tách bạch giữa hai hình thức giải quyết tranh chấp này.

4. Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Điều 18)

Dự thảo quy định “Văn bản chỉ định Hòa giải viên được gửi cho Hòa giải viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Trong trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn làm việc ở Tòa án khác thì văn bản này cũng phải được gửi cho Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc (Điều 18 Khoản 7)

Cơ chế lựa chọn Hoà giải viên không thuộc danh sách Hoà giải viên của Toà án giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 15 Khoản 2 đã chỉ rõ: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên của các bên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hay không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và các bên.”

Như vậy, việc yêu cầu Toà án nơi giải quyết tranh chấp phải gửi thêm “văn bản chỉ định Hòa giải viên cũng phải được gửi cho Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc” sẽ làm phát sinh thêm chi phí và thủ tục hành chính (như chi phí soạn văn thư, chi phí gửi văn thư, chi phí lưu trữ văn thư) cho Toà án chỉ định Hoà giải viên và cho cả “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc”. Ngoài ra, quy định “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự chọn của Hoà giải viên gửi Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hoà giải viên” cũng làm gia tăng các chi phí về hành chính và “hành chính hoá” hoạt động lựa chọn hoà giải viên. Ngoài ra, dù Dự thảo đã quy định thời gian mà “Toà án nơi Hoà giải viên đó làm việc” phải trả lời “trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hoà giải viên” vẫn là một khoảng thời gian chưa thực sự được xác định rõ ràng vì khoảng thời gian di chuyển của “thông báo” không được xác định. Mặc dù, “thông báo” này chỉ là di chuyển trong nội bộ giữa các “Toà án cấp huyện trong phạm vi lãnh thổ của Toà án cấp tỉnh”.

Do đó, đề xuất bỏ quy định “văn bản chỉ định Hòa giải viên” phải gửi cho Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc, và chỉ yêu cầu Hòa giải viên xác nhận đồng ý làm việc ở Tòa án khác.

5. Giai đoạn chuẩn bị hòa giải, đối thoại (Điều 21)

Dự thảo quy định: “Mời người uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết” (Điều 21 Khoản 7)

Như đã đề cập tại Mục 3 về cơ chế Bảo mật thông tin, quy định “mời người có uy tín” có khả năng làm tiết lộ thông tin của tranh chấp, bao gồm thông tin vụ việc và thông tin cá nhân các bên tranh chấp. Phương thức này có thể dẫn đến trường hợp “ép buộc” cho các bên hoà giải phải hoà giải vì áp lực do người “có uy tín” và trái với nguyên tắc nêu tại Dự thảo Điều 3 Khoản 2, đặc biệt trong tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại. Hoà giải viên chỉ nên thực hiện các công việc này khi có sự đồng ý của các bên tham gia hoà giải. Do đó, quy định này nên loại bỏ.

Đối với hoạt động đối thoại vụ việc hành chính, hoạt động đối thoại tại Toà án nên xây dựng cơ chế để nhiều bên tham gia đối thoại, nhất là trong đối thoại về khiếu nại quyết định hành chính về đất đai, môi trường, dự án hợp tác công tư (PPP)… Các bên được mời tham gia đối thoại có thể bao gồm những người bị tác động/ảnh hưởng trực tiếp của quyết định hành chính, tổ chức đại diện của những người bị tác động, đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức khoa học… Như vậy, hoạt động đối thoại hành chính tại Toà án sẽ giúp người dân có thể thông qua cơ chế đối thoại tại Toà án để đối thoại dân chủ và có tính chuyên môn được với chính quyền địa phương trong những tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai, môi trường. Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện đất đai ở Việt Nam đã được Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á khảo sát và đánh giá tốt về tính hiệu quả[8].

6. Sự tham gia của Thẩm phán tham gia phiên họp hòa giải (Điều 25, Điều 27)

Dự thảo quy định thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại gồm có: “Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán được phân công tham gia phiên họp (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp)…” (Điều 25 Khoản 1 Điểm đ) để xác nhận sự kiện các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại. Điều 27 Khoản 2 của Dự thảo quy định phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại được hoãn trong trường hợp Hòa giải viên, Thẩm phán tham gia phiên họp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Sự tham gia của Thẩm phán vào phiên họp hòa giải cần phải được cân nhắc thấu đáo và mang tính tổng thể trong hoạt động giải quyết tranh chấp của Toà án. Nếu hoạt động hoà giải tại Toà án có Thẩm phán tham gia thì vẫn tạo áp lực về khối lượng công việc cho Thẩm phán và Toà án, tăng thêm chi phí giải quyết tranh chấp. Đặc biệt phương thức hoà giải tại Toà án về bản chất là “ngoài thủ tục tố tụng” [9] không có khác biệt gì với với phương thức hòa giải trong tố tụng. Cũng cần lưu ý rằng nếu hoạt động “hoà giải ngoài tố tụng” này không thành trong vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường thì quá trình hoà giải lại tiếp tục được tiến hành với Thẩm phán (dù là người khác) giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, sự tham gia của Thẩm phán tại các phiên họp hoà giải cũng cần lưu ý tới các quy định đối với Hoà giải viên trong Dự thảo. Nếu Hoà giải viên được lựa chọn kỹ càng, bổ nhiệm như theo các quy định tại Điều 10, Điều 11 của Dự thảo, liệu có cần thiết phải có Thẩm phán tham gia phiên họp hoà giải? (xem thêm ý kiến được nêu ở Mục 7 dưới đây).  

 Do đó, đề xuất Dự thảo cần cân nhắc lại tính cần thiết của sự tham gia của Thẩm phán tham gia phiên họp hòa giải để điều chỉnh nội dung về vấn đề này trong Dự thảo một cách phù hợp.

7. Chế định Hoà giải viên (Chương II gồm Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17)

Theo quy định tại Dự thảo, Hoà giải viên sẽ được Toà án bổ nhiệm (Điều 11) với các thành phần đa dạng (Điều 10). Hoà giải viên được Toà án nhân cấp tỉnh nào ra quyết định bổ nhiệm thì xác định “nơi làm việc” là Toà án cấp huyện trong phạm vi lãnh thổ của Toà án cấp tỉnh đó hoặc là chính Toà án cấp tỉnh. Với những quy định như vậy, có thể hiểu Tòa án chịu trách nhiệm đối với toàn bộ mọi hoạt động, hành vi của Hoà giải viên. Mối quan hệ này cần phải được xác định rõ đây là (i) quan hệ sử dụng lao động theo Bộ luật Lao động; hoặc (ii) quan hệ hợp đồng dịch vụ theo quy định Bộ luật Dân sự. Sự xác định rõ mối quan hệ pháp luật này vì liên quan đến:

  • Các chế độ về tiền công, tiền lương, thù lao, bảo hiểm bắt buộc… theo các quy định pháp luật tương ứng;
  • Phạm vi chịu trách nhiệm của Toà án đối với các hành vi do Hoà giải viên xác lập trong quá trình thực hiện hoà giải, đối thoại; và
  • Cơ chế bảo đảm uy tín và sự liêm chính khi các Hoà giải viên thực hiện các công việc hoà giải theo các “phương thức linh hoạt” (Điều 3) mà không phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng.

Quy định tại Điều 7 của Dự thảo mới chỉ đề cập tới trách nhiệm về quản lý của Toà án đối với Hoà giải viên nhưng không đề cập tới trách nhiệm của Toà án đối với bên thứ ba khi hành vi của Hoà giải viên gây thiệt hại cho các bên liên quan, ví dụ như tiết lộ các bí mật kinh doanh, công nghệ trong quá trình giải quyết tranh chấp làm thiệt hại cho các bên…

Do đó, để có thể hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra  cho ngành Toà án, Dự thảo nên quy định cơ chế “công nhận” thay cho cơ chế “bổ nhiệm” Hoà giải viên. Hoà giải viên có thể thực hiện công việc hoà giải tại địa phương khác nhau và đăng ký hoạt động hoà giải tại các Toà án, Sở Tư pháp khác nhau… như đã phân tích ở Mục 1. Ngoài bảo đảm nguyên tắc “không loại trừ”, thì cơ chế “công nhận” Hoà giải viên và việc cho phép các bên tranh chấp được quyền tự do lựa chọn Hoà giải viên sẽ bảo đảm được những vấn đề sau:

  • Nguyên tắc về tự do lựa chọn phương thức hoà giải, đối thoại và người tiến hành hoà giải theo quy định tại Điều 3 khoản 6 của Dự thảo;
  • Tính chuyên nghiệp và chuyên sâu của Hoà giải viên đối với vụ việc hoà giải. Trong một số lĩnh vực, các bên tranh chấp thường mong muốn tìm kiếm hoà giải viên có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực thương mại có tranh chấp để giúp các bên có thể giải quyết được tranh chấp một cách nhanh chóng, thấu đáo. Thông thường, những người có kiến thức, kinh nghiệm về thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại, đầu tư, môi trường hoặc một số lĩnh vực kinh doanh chủ yếu sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn trong khi địa bàn tranh chấp lại ở những vùng sâu, vùng xa;
  • Tăng cường được sự cạnh tranh về chất lượng giải quyết tranh chấp giữa các Hoà giải viên tham gia vào hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án ở các huyện, tỉnh khác nhau;
  • Giúp thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa hoà giải viên tại các Toà án khác nhau, đặc biệt khoảng cách về năng lực giữa các vùng, miền. Việc cho phép các Hoà giải viên có kinh nghiệm ở các đô thị lớn thực hiện hoà giải tại khu vực nông thôn, miền núi cũng sẽ tác động lan toả về chuyên môn và kinh nghiệm;
  • Góp phần hạn chế “tiêu cực” có thể phát sinh khi Hoà giải viên tại các Toà án là cố định. “Tiêu cực” này có thể ảnh hưởng tới tính “liêm chính” của Toà án và gây khó khăn cho các bên tranh chấp;
  • Tăng cường “tính độc lập” của Hoà giải viên trong các vụ việc tranh chấp dân sự và hành chính. Hoà giải viên do các bên lựa chọn sẽ không bị ảnh hưởng bởi người có thẩm quyền tại địa phương trong quá trình hoà giải.

Trung tâm Hoà giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC)

[1] Simeon Djankov et la, Courts, công trình nghiên cứu nhằm xây dựng phương pháp luận cho nghiên cứu Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, http://www.doingbusiness.org/methodology/~/media/GIAWB/Doing%20Business/Documents/Methodology/Supporting-Papers/DB-Methodology-Courts.pdfhttp://www.doingbusiness.org/data/exploretopics/enforcing-contracts/good-practices Hoà giải ngoài toà án: Thúc đẩy giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng? https://www.thesaigontimes.vn/287622/hoa-giai-tai-toa-an-thuc-day-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-truoc-to-tung.html?fbclid=IwAR00kITiMMy9oQ2xItLcyPjVYtCTJsEPwhN-ltWXd2TBIf1b1NrR2WiWlp0  

[2] Nguyễn Hưng Quang, Bảo đảm thực thi hợp đồng, trong Nghiên cứu Chuẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trang 229-230; Nguyễn Hưng Quang – Toàn Lê, Khái quát lịch sử và pháp luật và giải quyết tranh chấp đất đai tại Việt Nam (An historical overview of Vietnamese land law and dispute resolution), trong sách Giải quyết tranh chấp đất đai tại Đông Á (Resolving Land Dispute in East Asia – Exploring the limits of laws), 2014<em>; <=”” em=””>John Gillespie, Tường thuật điền dã về tranh chấp đất đai tại ba xã của Việt Nam (Narrating land disputes in three Vietnamese communities), trong sách Giải quyết tranh chấp đất đai tại Đông Á (Resolving Land Dispute in East Asia – Exploring the limits of laws), 2014.</em>;>

[3] Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, Đổi mới, tăng cường hoà giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Toà án nhân dân (số 13), 2018.

[4] Báo cáo số 526/BC-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án ngày 16/05/2020, trang 2.

[5] Chu Thành Quang và Phan Thị Thu Hà, Yêu cầu khách quan của việc xây dựng Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án và một số vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Toà án nhân dân (số 13), 2018.

[6] Dự thảo Điều 3 Khoản 6: Phương thức hoà giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

[7] Dự thảo Điều 8 Khoản 1 điểm e: Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại khác, Thẩm phán giữ bí mật thông tin do mình cung cấp

[8] Hội Luật Gia Việt Nam và Quỹ Châu Á, Cẩm nang hướng dẫn Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện đất đai ở Việt Nam, 2015.

[9] Báo cáo số 526/BC-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án ngày 16/05/2020, trang 2.

Các bài viết trước

TẬP QUÁN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế đang là xu hướng của các nước trên thế giới, do vậy việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, các chủ thể là các bên đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng ký kết một hợp đồng, điều này khiến cho sự khác biệt trong cách áp dụng pháp luật điều chỉnh cũng như khác biệt trong cách giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vậy trong những trường hợp đó, doanh nghiệp cần lưu ý gì khi bước ra thị trường thế giới?

TRÁNH RỦI RO KHI THIẾT LẬP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Trong thời đại công nghệ hiện nay, hợp đồng điện tử được thực hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về hình thức, nội dung và cách thức thực hiện. Cũng chính vì vậy, các rủi ro tiềm ẩn về mặt kỹ thuật, về mặt pháp lý mà cũng ngày càng nhiều. Để phòng tranh các rủi ro này một cách hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thương mại điện tử.

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

CÁC HOÀ GIẢI VIÊN CỦA TRUNG TÂM HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT NAM (VICMC) THAM GIA CHIA SẺ TẠI BUỔI HỌP MẶT KHỞI NGHIỆP VÀ GẶP GỠ MẠNG LƯỚI CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP TỈNH ĐỊNH KỲ LẦN IV-2023 TẠI TỈNH BẾN TRE

TỔNG KẾT HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI, TẬP HUẤN “NHẬN DIỆN, PHÒNG NGỪA RỦI RO VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HIỆU QUẢ BẰNG HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI: MỘT SỐ LƯU Ý CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA” THÁNG 11/2023

Hội nghị đối thoại, tập huấn “Nhận diện, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng hoà giải thương mại: Một số lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra vào ngày 24/11/2023 đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, chuyên viên pháp lý, luật sư và các giảng viên, sinh viên.

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023

Chương trình đào tạo về PPA do ERAVCTED tổ chức ngày 12-13/10/2023 phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) với chủ đề “Đầu tư xây dựng, Quản lý vận hành các nhà máy điện và giải quyết tranh chấp hợp đồng, các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện” đã nhận được sự tham gia trực tiếp kết hợp trực tuyến của chuyên gia cao cấp và đội ngũ nhân viên của Bitexco Power.

TỔNG KẾT HỘI THẢO HOÀ GIẢI TẠI PHÁP, CHÂU ÂU VÀ TẠI VIỆT NAM; VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG HOÀ GIẢI THÁNG 07/2023

Hội thảo Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải được tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các luật sư, hoà giải viên, giảng viên đầy kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hội thảo cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như thách thức đối với hoà giải tại Việt Nam.

Workshop “Hoà giải tại Pháp, Châu Âu và tại Việt Nam; vai trò của luật sư trong hoà giải” tháng 07/2023

Hoà giải đang dần thay đổi vai trò giải quyết tranh chấp “thay thế” để trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các luật sư cũng như doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng. Workshop sẽ giúp hiểu thêm về hoà giải tại Pháp, tại Châu Âu và tại Việt Nam; cũng như biết thêm về vai trò của luật sư trong hòa giải

LƯU Ý KHI NHƯỢNG QUYỀN RA NƯỚC NGOÀI

Kể từ sau đại dịch COVID-19, với sự vươn lên mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa thương hiệu của mình ra thế giới. Với lợi thế về ẩm thực truyền thống và ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là xu thế đã và đang tạo ra sự sôi động trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng chiến lược phù hợp để tối ưu hóa lợi ích và hạn chế rủi ro khi áp dụng mô hình này. 

Viết một bình luận